menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật tin COVID-19 ngày 2/4 và công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương

23:59 02/04/2020

Vinanet - Vinanet- Trang tin điện tử Vinanet.vn cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus COVID-19 và các chỉ đạo ứng phó của Bộ Công Thương
 Cập nhật lúc 21h00 ngày 2/4/2020
• Thế giới 961.692 người mắc, 49.165 người tử vong, trong đó:
• Hoa Kỳ: 215.362 người mắc; 5.113 người tử vong.
• Italy: 110.574 người mắc; 13.155 người tử vong.
• Tây Ban Nha: 110.238 người mắc; 10.003 người tử vong.
• Trung Quốc: 81.589 người mắc; 3.318 người tử vong.
Tính đến 21h00 ngày 2/4 thế giới đã ghi nhận 961.692 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 49.165 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 203.176 người, trong khi vẫn còn 36.224 ca bệnh nặng và nguy kịch.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng rất nhanh. Theo hãng tin AFP, châu Âu đã ghi nhận 508.271 ca nhiễm và 34.571 ca tử vong. Nước bị ảnh hưởng lớn nhất là Italy với 13.155 ca tử vong, Tây Ban Nha với 10.003 ca. Thống kê của trang worldometers.info cũng cho biết hai nước này đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều nước mới chỉ xét nghiệm các ca cần nhập viện.
Mỹ: đứng đầu thế giới về số ca mắc bệnh COVID-19 với 215.362 trường hợp, trong đó có 5.113 người tử vong.
Tây Ban Nha: Bộ Y tế nước này cho biết, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã vượt quá ngưỡng 10.000 người sau khi Tây Ban Nha ghi nhận mức tăng kỷ lục 950 ca tử vong trong đêm. Tổng cộng 10.003 ca tử vong, trong khi đó số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 110.238 người, tăng từ mức 102.136 ca trong ngày 1/4.
Thụy Sĩ: Cùng ngày 2/4 Thụy sĩ ghi nhận tổng cộng 18.267 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng từ mức 17.139 trong ngày 1/4. Số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên thành 432 người, tăng từ mức 378 trong ngày 1/4.
Hà Lan: Nước này cho biết số ca tử vong tại nước này đã tăng thêm 166 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 lên thành 1.339 người. Số ca nhiễm tại Hà Lan đã tăng 8%, lên 14.697 người. Tại Bỉ, số ca tử vong đã lần đầu tiên vượt 1.000 ca, trong khi số ca nhiễm đã lên 15.348 ca kể từ khi bùng phát dịch.
Bồ Đào Nha: Chính phủ nước này đã nghi nhận 9.034 ca nhiễm và 209 ca tử vong. Giới chức y tế nước này dự báo đỉnh dịch sẽ xảy ra vào cuối tháng 5.
Anh: Bộ Y tế Anh đã ghi nhận 2.352 ca tử vong. Ngày 1/4 cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại Anh với 563 ca.
Nga: Tính đến cuối ngày 2/4 nước này đã ghi nhận thêm 771 trường hợp mới nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 29 tỉnh thành và khu vực, đưa tổng số người mắc bệnh COVID-19 ở nước này lên 3.548 người. Tính đến nay đã có 30 trường hợp tử vong và 235 người khỏi bệnh.

Hàn Quốc: Hiện tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc là 9.976. Số ca tử vong là 169 (tăng 4 trường hợp), trong số đó chủ yếu vẫn là người cao tuổi (trên 70) và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn là 261 nâng tổng số lên 5.828 người.

Theo KCDC, hiện số lượng người nhiễm mới mỗi ngày đã giảm xuống chỉ trên dưới 100 ca, song vẫn tiềm ẩn mối nguy cơ lớn khi trung bình mỗi ngày Hàn Quốc đón khoảng 300 người có triệu chứng từ nước ngoài nhập cảnh, 20-30% trong số đó dương tính với SARS-CoV-2.
Malaysia: Malaysia là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất tại Đông Nam Á với 3.116 trường hợp và số trường hợp tử vong là 50 người. Ngày 2/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Malaysia có thể vào giữa tháng 4 khi mà có dấu hiệu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang chững lại.
Thái Lan: Chính phủ Thái Lan cấm nhập cảnh vào nước này, kể cả người Thái, trong 15 ngày từ ngày 2-15/4 để chuẩn bị các cơ sở “cách ly nhà nước” sau khi nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Thái Lan liên quan đến các ca bệnh đến từ nước ngoài.
Cho đến thời điểm này, Thái Lan đã ghi nhận 1.875 ca mắc bệnh COVID-19 và 15 ca tử vong.
Indonesia: Thống đốc Jakarta tiết lộ số liệu thống kê, theo đó tổng số các ca dương tính với COVID-19 ở khu vực thủ đô đã lên tới 885 người, trong đó hơn 400 ca tử vong, cao hơn rất nhiều so với con số chính thức 90 người thiệt mạng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Diễn biến dịch COVID-19 mới nhất tại Việt Nam:
227 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn giai đoạn 1.
59 bệnh nhân tính từ ngày 06/3 đến 02/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
Hơn 15.800 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đã được loại trừ
Tính đến 21h ngày 2/4, cả nước có hơn 15.800 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đã được loại trừ; hơn 4.500 trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly. Gần 73.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tập trung tại bệnh viện, tại các cơ sở khác và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Hiện cả nước ghi nhận 227 trường hợp mắc COVID-19 tại 25 tỉnh, thành phố. Việt Nam đang đứng thứ 92 trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19.
Cả nước đã có 75 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 152 bệnh nhân đang được điều trị tại 21 cơ sở y tế trong cả nước. 37 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 âm tính 1 lần trở lên, trong đó có 16 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 2 lần trở lên.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó 1 bệnh nhân phải thở máy, lọc máu, 2 bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và cai máy thở.
Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm 73.164 mẫu cho kết quả 227 mẫu dương tính và 72.937 mẫu âm tính.
Tình hình dịch bệnh ngày 2/4, COVID-19 2/4 tại Việt Nam, Cách ly toàn xã hội, Số ca nhiễm corona ở Việt Nam ngày 2/4, COVID-19 2-4, COVID-19, dịch corona 2/4, covid 19
Bộ Công Thương đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Trước tình hình dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phía Trung Quốc cũng đang tăng cường siết chặt công tác kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam tại khu vực cửa khẩu biên giới khi diễn biến tình hình dịch bệnh của ta đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn. Mới đây, các cơ quan chức năng phía Trung Quốc đã thông báo đến các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn về việc không cho các lái xe là người từ một số tỉnh, thành phố, trước mắt gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Thuận, được giao, nhận hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc do đây là các tỉnh, thành phố đang phát sinh diễn biến phức tạp về dịch bệnh.
Tại các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, Ủy ban nhân dân các tỉnh mặc dù đã sớm thiết lập quy trình “vùng đệm”, sử dụng địa điểm thuộc khu vực cửa khẩu để làm khu vực cách ly, tuy nhiên, để triển khai xây dựng đội ngũ lái xe đủ lớn để thực hiện việc chuyển tiếp hàng hóa sang phía Trung Quốc giúp cho đội ngũ lái xe từ nội địa lên khu vực biên giới đang gặp khó khăn, chưa thể triển khai được một cách kịp thời.
Trong bối cảnh năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới đã được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, đồng thời phải áp dụng thêm các phương án kiểm soát nghiệm ngặt, phòng chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước trong thời gian tới đây có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc. Trong khi đó, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của ta sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu như lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới.
Trước tình hình nêu trên, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có công văn số 331/XNK-TMQT ngày 01 tháng 4 năm 2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, theo đó đề nghị phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị tại công văn số 283/XNK-NS ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Cục Xuất nhập khẩu, đồng thời quán triệt mục tiêu “đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; không vì sức ép giải tỏa ùn tắc, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch bệnh” trong suốt quá trình thực hiện hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần vào công cuộc chung của cả nước trong việc đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./.

Nguồn:VITIC Tổng hợp