menu search
Đóng menu
Đóng

Cập nhật tin Covid-19 ngày 8/4 và công tác phòng, chống dịch của Bộ Công Thương

11:23 08/04/2020

Vinanet - Trang tin điện tử http://vinanet.vn/ cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 và các chỉ đạo ứng phó của Bộ Công Thương.

Cập nhật lúc 9h30 ngày 8/4

  • Tính đến 9h ngày 8/4 tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu là 1.425.468, với 81.939 ca tử vong, 301.788 ca bình phục, 47.912 ca nguy kịch.
  •  Hiện dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn: Tuổi trẻ
Mỹ: Tính đến sáng ngày 8/4 Mỹ có 1.939 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ. Con số tử vong kỷ lục đưa tổng số người chết ở Mỹ vì dịch bệnh lên tới 12.844 người. Tổng số ca bệnh Covid-19 ở Mỹ là 398.185 ca.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca nhiễm SARS-CoV-2 với 395.277 ca mắc và 12.784 ca tử vong. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 141.942 ca mắc và 14.045 ca tử vong.
Giới chức Mỹ ngày 6/4 cảnh báo người dân nên chuẩn bị cho một trong những giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khi dịch bệnh đạt đỉnh. Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán 100.000-240.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV, ngay cả khi người dân tuân thủ yêu cầu không rời khỏi nhà.
Tây Ban Nha: Chính phủ nước này ghi nhận thêm 5.267 ca nhiễm và 704 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 141.942 và 14.045. Nước này đang là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại. Tuy nhiên, tình trạng quá tải các nhà hỏa táng ở Barcelona cho thấy nước này cần thêm nhiều thời gian trước khi kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn nCoV, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.
Italy: Theo thống kê của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong ngày 7/4, nước này ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới thấp nhất từ hôm 19/3, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên thành 135.586 ca.
Trong vòng 24 giờ qua, Italy cũng ghi nhận thêm 604 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này lên 17.127 ca, đứng đầu thế giới về số ca tử vong. Trong khi số ca hồi phục là 24.392 ca (tăng 1.555 ca).
Ngoài ra, số ca phải điều trị tích cực cũng giảm so với ngày 6/4, còn 106 ca. Hiện Italy có tổng số 3.792 ca phải điều trị tích cực, 28.718 ca nhập viện và 61.557 ca cách ly tại nơi ở.
Pháp: Bộ Y tế nước này cho biết Pháp đã ghi nhận 10.328 trường hợp tử vong do SARS-CoV-2, bao gồm 7.091 ca qua đời tại bệnh viện (tăng 607 ca trong 24 giờ) và 3.237 ca tại các viện dưỡng lão (tăng 820 ca). Chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.417 ca tử vong vì Covid-19.
Như vậy, Pháp là quốc gia thứ 4 trên thế giới có số ca tử vong vượt ngưỡng 10.000 người, sau Italy, Tây Ban Nha và Mỹ. Theo giới chức y tế Pháp, 82% trong số ca tử vong có độ tuổi trên 70.
Đến nay, tại Pháp đã ghi nhận số bệnh nhân mắc Covid-19 lên tới 109.069 trường hợp. Số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận qua xét nghiệm tại các bệnh viện là 78.167 người (tăng 3.777 ca trong 24 giờ), tại các cơ sở y tế-xã hội là 30.902 người.
Anh: Tính đến 9h sáng ngày 8/4, nước này ghi nhận thêm 786 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 6.159 ca. Số ca dương tính với SARS-CoV-2 là 55.242 người, tăng 3.634 trường hợp.
Đức: Theo số liệu cho thấy Đức là vùng dịch lớn thứ tư châu Âu với 107.663 người dương tính nCoV và 2.016 người chết, tăng lần lượt 4.288 và 206 so với hôm trước. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Thổ Nhĩ Kỳ: Trong vòng 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 3.892 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 76 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 725 người và 34.109 ca nhiễm bệnh.
Tổng cộng có 256 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm 20.023 xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Malaysia: Ngày 7/4 nước này đã ghi nhận thêm 170 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 3.963 người trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á phải gồng mình đối phó với tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong khu vực.
Số liệu mới nhất cho thấy, thêm 1 trường hợp tử vong do Covid-19 ở Malaysia, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 63.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/4 tại Cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng
Trung Quốc: Tại Trung Quốc, từ 0h 8/4 thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, từng là tâm dịch Covid-19 ở nước này, đã chính thức được dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau 77 ngày. Tuy nhiên, giới chức thành phố vẫn yêu cầu người dân cẩn trọng, cảnh báo việc không có ca nhiễm mới không có nghĩa không có rủi ro.
Với lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, toàn bộ hệ thống sân bay, đường sắt, đường thủy, cao tốc và xe khách ở Vũ Hán sẽ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo tránh rời khu vực mình sống, cũng như thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc trừ trường hợp cần thiết. Ngay sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, hàng nghìn người đã đổ tới các ga tàu và cao tốc để rời Vũ Hán. Nhà chức trách trước đó ước tính sẽ có khoảng 55.000 người rời Vũ Hán sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Hôm 7/4, Trung Quốc lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. Hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc là 81.740 với số ca tử vong là 3.331 và 77.167 ca bình phục.
Nguồn: Baotintuc.vn
Campuchia: Bộ Y tế nước này cho biết chỉ có 0,1% khả năng Campuchia ban bố tình trạng khẩn cấp.
Chính phủ Campuchia trong phiên họp nội các hôm 31/3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Sen đã thông qua dự luật về tình trạng khẩn cấp. Dự luật này cần được Quốc hội Campuchia thông qua và sau đó được Thượng viện xem xét lần chót trước khi đệ trình lên Quốc vương để công bố.
Cho đến ngày 7/4, Campuchia xác nhận có 115 ca mắc Covid-19, trong đó có 58 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia: Tính đến sáng 8/4 Indonesia đã ghi nhận thêm 247 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên thành 2.738 người.
Đến nay, đã có thêm 12 người tử vong do mắc Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 221 người, trong khi có 204 bệnh nhân được chữa khỏi. Nước này cũng đã tiến hành hơn 14.300 ca xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Thái Lan: Nội các Thái Lan ngày 7/4 đã thông qua gói kích thích kinh tế thứ ba trị giá 1.900 tỷ baht (58 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19.
Truyền thông sở tại dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói sau khi chủ trì cuộc họp nội các rằng một loạt biện pháp kích thích kinh tế thứ ba này bao gồm ba sắc lệnh khẩn cấp. Sắc lệnh thứ nhất sẽ chuyển 80-100 tỷ baht tới ngân sách trung ương để sử dụng làm các quỹ kích thích. Sắc lệnh thứ hai sẽ cho phép Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sử dụng tới 900 tỷ baht cho động thái thúc đẩy nền kinh tế.
Sắc lệnh thứ ba sẽ cho phép Bộ Tài chính vay tới 1.000 tỷ baht, trong đó 600 tỷ baht sẽ được sử dụng để phân phát tiền cho người lao động và dùng cho y tế công cộng, và 400 tỷ baht sẽ được chi cho các biện pháp khôi phục kinh tế.
Philippines: Bộ Y tế Philippines cho biết hết ngày 7/4 nước này đã ghi nhận thêm 14 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người tử vong thành 177 người. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng tăng thêm 104 ca lên thành 3.764 người.
Trước đó trong ngày, Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh gia hạn các biện pháp cách ly và hạn chế hoạt động đang được áp dụng đối với hơn 50% dân số nước này đến ngày 30/4 để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19.
Lào: Cục Dịch tễ và sức khỏe, thuộc Bộ Y tế Lào, ra thông báo yêu cầu chấm dứt sử dụng buồng khử trùng di động bằng chlorine đang được các bệnh viện sử dụng, do kết quả nghiên cứu được thực hiện mới ở Trung Quốc cho thấy thiết bị này không hiệu quả, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chiều 7/4, bộ trên thông báo nước này đã có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 14 ca.
Trước đó, Chính phủ Lào đã chỉ đạo khẩn ban hành công văn yêu cầu tạm ngừng mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và xây dựng các dự án xây dựng đập thủy điện trên phạm vi cả nước cho đến hết ngày 19/4 tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Tại Việt Nam, tính đến 9h sáng 8/4, ghi nhận 251 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 122 ca đã bình phục. 129 ca còn lại đang được chữa trị tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Có 2.738 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ. 74.626 ca tiếp xúc với người nghi nhiễm và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi (cách ly), trong đó có 43.558 ca được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Nguồn: baoquocte.vn
Như vậy trong 24 giờ qua thêm 6 ca nhiễm mới, tổng số bệnh nhân 251. Hôm qua 27 người được tuyên bố khỏi bệnh, đưa số khỏi Covid-19 lên 122. Hiện còn 129 người điều trị.
Người hàng xóm và có tiếp xúc gần "bệnh nhân 243" được ghi nhận là "bệnh nhân 250", nữ, 50 tuổi, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 2/4, bà khởi phát bệnh, ngày 5/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, ngày 7/4 kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
"Bệnh nhân 243" được ghi nhận dương tính vào tối 6/4, hơn 100 người tiếp xúc gần (F1) phải cách ly. Trước khi phát hiện nhiễm, anh này đưa vợ đi khám bệnh ở nhiều nơi, 73 nhân viên y tế tiếp xúc bệnh nhân này phải cách ly. Thôn Hạ Lôi có 2.700 hộ với trên 11.500 người, bị phong tỏa.
"Bệnh nhân 251", nam, 64 tuổi, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam. Từ ngày 20/3 đến nay, ông điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, ông được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 7/4 dương tính. Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam.
Bộ Công Thương và công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 16/3/2020 Bộ Công Thương đã có Công văn số 1817/BCT-CN gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát thực trạng, dự báo nhu cầu và đề xuất các giải pháp bảo đảm nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước, gửi thông tin về Bộ Công Thương tổng hợp để báo cáo Thủ tướng.
Nguồn: Bộ Công Thương
Bộ Công Thương nhận định, trong quý I/2020, mặc dù đã gây ảnh hưởng nhất định đến các ngành công nghiệp trong nước, tuy nhiên các khó khăn, vướng mắc về nguyên phụ liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cơ bản chưa tác động quá nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất do hầu hết các doanh nghiệp vẫn có thể cân đối từ nguồn nguyên phụ liệu dự trữ cũng như các đơn hàng sẵn có từ cuối 2019 và đầu 2020.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, đến nay đã có khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc hoạt động trở lại, trong khi đó các doanh nghiệp lớn gần như đã hoạt động bình thường.
Do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi một phần. Đặc biệt, theo thông tin từ các Hiệp hội và doanh nghiệp, với ngành dệt may và da - giày, tỷ lệ phục hồi nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu là khá cao, từ 60 - 80%.
Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu qua đường biển hoặc đường hàng không, nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Khắc phục sụt giảm "đầu ra"
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ dẫn đến tác động tiêu cực đến các đơn hàng mới của một số ngành xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn từ quý II đến hết năm 2020.
Một số doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam gần đây đã tuyên bố tạm dừng hoạt động sản xuất khi nhu cầu mua sắm thị trường suy giảm đáng kể
Do đó, bên cạnh bảo đảm cân đối cung cầu và đẩy mạnh thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa trong nước, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu các động thái chính sách mới nhất của Mỹ như gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD mới được chính quyền nước này thông qua, đồng thời thúc đẩy EVFTA đi vào thực thi trong thời gian sớm nhất nhằm tìm hướng khai thác tối đa 2 thị trường lớn này.
Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới từ các quốc gia khác để thay thế một phần thị trường Mỹ và châu Âu, tiến tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương đề xuất trong thời gian tới cần quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Nguồn:VITIC Tổng hợp