menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên sau nhiều thập niên

09:16 16/04/2020

Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Vinanet - Các nhà phân tích của 14 tổ chức ước tính kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990.
Theo một cuộc khảo sát ý kiến của các nhà kinh tế do hãng tin AFP (Pháp) thực hiện, kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 sụt giảm lần đầu tiên trong khoảng ba thập niên qua khi cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đã đẩy nước này vào tình trạng đình trệ.
Các nhà phân tích của 14 tổ chức ước tính kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 đã giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2019, lần giảm đầu tiên kể từ đầu thập niên 1990.
Kinh tế Trung Quốc đình trệ trong ba tháng đầu năm 2020 khi các nhà máy đóng cửa, người tiêu dùng phải ở nhà để tránh bị lây nhiễm khi dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu.
Các nhà phân tích trên cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong cả năm 2020 sẽ chỉ tăng 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,1% năm 2019 và thấp hơn các dự đoán đưa ra trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nếu dự báo là chính xác thì đây sẽ là mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thấp nhất của Trung Quốc kể từ năm 1976.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/4 thậm chí còn dự báo kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 1,2% năm 2020.
Trong khi nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã khôi phục hoạt động, dịch COVID-19 đã khiến các nền kinh tế khác gặp khó khăn với nhiều đối tác thương mại quan trọng đang trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. IMF dự kiến dịch COVID-19 sẽ “lấy đi” 3% GDP của thế giới trong năm 2020.
Các nhà kinh tế có nhiều dự đoán khác nhau về tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế Trung Quốc, với ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giảm từ 4,6-15% trong quý I/2020.
Nhà kinh tế Xu Xiaochun của Moody's Analytics cho rằng sự suy giảm kinh tế Trung Quốc "thất vọng hơn bất kỳ dự đoán nào trước đó" và lực lượng lao động của nước này đã quay trở lại làm việc chậm hơn dự kiến.
Nông dân làm việc tại một nhà kính trồng nấm ở thành phố Định Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nhà kinh tế này, mặc dù nguồn cung lao động không phải gây ra sự khó khăn đối với kinh tế Trung Quốc trong tháng 4/2020 và dự kiến nước này sẽ thực hiện thêm các biện pháp tài khóa và tiền tệ hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước song "sẽ không đủ để vượt qua lực cản nặng nề từ nhu cầu thế giới suy giảm trong phần còn lại của năm".
Trong khi đó, các nhà kinh tế tại ANZ Research đã lưu ý rằng sự sụt giảm ở mức hai con số của các chỉ số kinh tế trong hai tháng đầu tiên của năm 2020 đã không còn bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3/2020.
Còn theo Raphie Hayat, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Rabobank, tác động ngắn hạn của COVID-19 dự kiến sẽ "lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009" và ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng của JP Morgan, Zhu Haibin, cho rằng mặc dù tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã có chuyển biến tích cực song các rủi ro bên ngoài có thể sẽ hạn chế sự phục hồi dự kiến trong hoạt động sản xuất liên quan đến xuất khẩu của Trung Quốc trong quý II/2020.
Tình trạng phong tỏa ở các quốc gia khác có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi lo ngại về các trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh vào Trung Quốc có thể khiến quá trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế, xã hội .... diễn ra chậm hơn, trì hoãn sự phục hồi tiêu dùng dịch vụ và nhu cầu nội địa của Trung Quốc.
Về phần mình, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của HSBC, Qu Hongbin, cảnh báo rằng ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 đối với nhu cầu bên ngoài không chỉ là một sụt giảm hoạt động thương mại đơn thuần mà còn có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng nhu cầu trong nước.

Nguồn:Anh Quân/BNEWS/TTXVN (Theo AFP)

Link gốc