Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là hết sức cần thiết, tuy nhiên, việc kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh sớm mới là yếu tố then chốt để kinh tế phục hồi và quay lại quỹ đạo phát triển.
GDP quý II dự báo tăng 2%
Tăng trưởng GDP quý I đạt mức 3,82%, đây được xem là tốc độ tích cực so với nhiều quốc gia khác, song sang quý II, nền kinh tế thực sự bị ngấm đòn. Nhiều chuyên gia, tổ chức cùng nhận định tăng trưởng kinh tế quý II sẽ không còn khả quan như quý I.
Theo Bộ KH&ĐT, dịch Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Các DN đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trước những khó khăn bủa vây nền kinh tế, mới đây, các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam dự báo khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Xuất khẩu của Việt Nam dự báo cũng giảm khoảng 25% trong quý II và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến bắt đầu phục hồi từ quý III. Tuy nhiên, con số dự báo này cũng chỉ là tương đối bởi các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã gây nên khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong nhiều năm qua và điều nguy hiểm của khủng hoảng này là diễn biến của dịch rất bất ngờ, khó dự báo.
Theo các chuyên gia Đại học Kinh tế quốc dân, nếu đại dịch Covid-19 kéo dài thì ảnh hưởng đến nền kinh tế là rất nghiệm trọng. Về tác động tới DN, nghiên cứu của nhóm nghiên cứu này cho thấy, nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 4 thì khoảng 49,2% DN vẫn duy trì được hoạt động, 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất, 18,1% tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm mới kiểm soát được dịch bệnh thì tỷ lệ phá sản của DN sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.
Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như: Khả năng hấp thụ gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng DN trong nước, rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại và sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của DN trong năm 2020. Chưa kể, vốn FDI có xu hướng giảm do dịch Covid-19 làm các DN FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước chưa có những biến chuyển tích cực. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý II và sức ép tỷ giá gia tăng.
Bộ KH&ĐT trước đó cũng dự báo kim ngạch XNK sẽ giảm. Cụ thể, trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020 ước tính quý II đạt kim ngạch XK đạt 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch NK đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong trường hợp dịch kết thúc trong quý I/2020 thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%, nhưng nếu dịch kết thúc trong quý II/2020 dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Mới đây, đại diện Tổng cục Thống kê cũng cho biết, đơn vị này dự kiến ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản 1 dự kiến dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020, kịch bản hai dự kiến dịch Covid-19 kết thúc trong quý III/2020 và kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8%. Với kịch bản 1 thì GDP quý II dự kiến sẽ giảm khoảng 2,79%, quý III giảm 1,13%, quý IV giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường. Với kịch bản 2 dự kiến GDP quý II sẽ giảm khoảng 2,79%, quý III giảm 1,44%, quý IV giảm 0,69% và cả năm giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường. Cả hai kịch bản này tăng trưởng GDP cả năm 2020 đều ước đạt trên 5%.
XNK sẽ giảm sâu nếu không sớm kiểm soát dịch
Nhận định về kinh tế quý II, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khác với quý I, sang quý II, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, từ du lịch, hàng không, tiêu dùng, XNK... đều bị tác động mạnh cả từ hai phía cung và cầu. Nếu như nguồn cung vẫn tiếp tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì về phía cầu (thế giới cũng như trong nước) đều giảm do cách ly toàn xã hội và điều này tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng, vì chúng ta mới bắt đầu bước vào quý II, và vì diễn biến của dịch biến đổi khôn lường, nên còn quá sớm để dự báo GDP của quý này, song có thể đặt ra một số giả thuyết.
Theo đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 4 thì kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu tiến trình hồi phục vào quý III và IV/2020. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh chưa đạt đỉnh vào tháng 4 thì dự báo tác động của dịch bệnh vào nền kinh tế thời gian tới sẽ rất nặng nề. “GDP quý II chắc chắn thấp hơn nhiều so với quý I. Cụ thể là bao nhiêu thì khó dự báo chính xác nhưng tăng trưởng sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2%”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cũng theo chuyên gia này, XNK của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu dịch bệnh không được kiểm soát sớm. Nếu đến cuối quý II mà dịch Covid-19 không được khống chế - không chỉ ở Việt Nam mà phải trên phương diện toàn cầu - thì XK của Việt Nam sẽ sụt giảm xuống mức rất thấp do độ mở của kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của đại dịch Covid-19 lần này cho thấy việc dự báo tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp cách ly xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
Các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả. Theo đó, nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc cùng lắm đến hết quý II thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”.
Nguồn:Haiquanonline