Số liệu thương mại u ám đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể gây áp lực cho các nhà hoạch định chính sách nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực quan trọng đối với sinh kế của hơn 180 triệu công nhân. Tổng thương mại chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế này.
Số liệu hải quan cho thấy xuất khẩu trong tháng 5/2020 giảm 3,3% so với một năm trước sau khi tăng vọt 3,5% trong tháng 4/2020, trong khi dự báo trong một thăm dò của Reuters giảm 7%.
Trong khi xuất khẩu tốt hơn một chút so với dự kiến, nhập khẩu giảm 16,7% so với một năm trước, giảm mạnh hơn so với mức giảm 14,2% trong tháng 4/2020 và đánh dấu sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016, số liệu dự kiến giảm 9,7% trong tháng 5/2020.
Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Zhongyuan cho biết “xuất khẩu hưởng lợi từ thị trường ASEAN và tỷ giá hối đoái giảm, trong khi nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong nước không đủ và giá hàng hóa sụt giảm”.
Kết quả Trung Quốc có thặng dư thương mại kỷ lục 62,93 tỷ USD trong tháng trước, cao nhất kể từ khi Reuters bắt đầu theo dõi vào năm 1981, so với dự báo thặng dư 39 tỷ USD và 45,34 tỷ USD thặng dư trong tháng 4/2020.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ nới rộng lên 27,89 tỷ USD trong tháng 5/2020, theo tính toán của Reuters dựa theo số liệu của hải quan.
Điều này diễn ra khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc một lần nữa gia tăng, mặc dù các nguồn tin cho biết Tổng thống Donald Trump có rất ít lựa chọn ngoài tiếp tục thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hiện nay.
Cả khảo sát nhà máy tư nhân và chính thức tháng 5/2020 cho thấy chỉ số phụ cho đơn hàng xuất khẩu vẫn giảm sâu. Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc giảm gần 30% trong 4 tháng đầu năm nay.
Các nhà phân tích cho biết điểm sáng có thể là xuất khẩu vật tư y tế, trong đó Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng, đã che dấu đi yếu tố khó khăn các nhà xuất khẩu phải đối mặt với tồn kho chưa bán được và hủy đơn hàng từ nước ngoài.
Trong nửa đầu tháng 5/2020, Trung Quốc đã xuất khẩu 63,2 tỷ CNY vật tư y tế theo tính toán của Reuters, so với 71,2 tỷ CNY trong cả tháng 3 và tháng 4/2020.
Zhang Yi, nhà kinh tế trưởng tại Zhonghai Shengrong Capital Management cho biết “mặc dù diễn biến xuất khẩu vượt quá mong đợi, những khó khăn phải đối mặt của các doanh nghiệp thương mại truyền thống không nên bị lờ đi”.
Nhấn mạnh triển vọng không rõ ràng, chính phủ Trung Quốc cho biết trong cuối tháng 5/2020 rằng họ không thiết lập một mục tiêu tăng trưởng hàng năm, lần đầu tiên kể từ năm 2002, phản ánh một lập trường thận trọng về nới lỏng chính sách, mặc dù một số người dự đoán nhu cầu trong nước phục hồi trở lại phần nào, trong khi tình trạng xuất khẩu vẫn không thể đoán trước.
Nền kinh tế này đã giảm 6,8% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước.
Zhang cho biết “trong tương lai xuất khẩu sẽ tăng trưởng âm, nhưng không cần thiết phải quá bi quan. Nó sẽ nằm trong khoảng -10%”.
Ông nói “nhập khẩu là đối tượng không rõ ràng hơn, phụ thuộc vào sự phục hồi của nhu cầu thị trường trong nước và việc thực thi giai đoạn 1 thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Nguồn:VITIC/Reuters