Nguồn cung:
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 8/2021 giảm 0,03 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 95,69 triệu thùng/ngày.
Báo cáo tháng 9/2021 về chi tiết nguồn cung dầu của các nước trong khối OPEC
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 8/2021 tăng 0,15 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 26,76 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Iraq, Saudi Arabia, UAE và Angola, trong khi sản lượng giảm mạnh tại Nigieria.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) giảm 0,17 triệu thùng/ngày so với ước tính tháng trước, đạt trung bình 63,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng điều chỉnh giảm là do ảnh hưởng của cơn bão Ida ở Vịnh Mexico.
Mỹ: Giá dầu phục hồi đã thúc đẩy các công ty dầu lửa của Mỹ tăng số giàn khoan hoạt động. Theo số liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo ban đầu về sản lượng trong tương lai, đã tăng 9 lên 512 trong tuần tính đến ngày 17/9, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 dự báo giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ dự báo năm 2021 sẽ tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày.
Lượng dầu thô trên đất liền dự kiến giảm 0,14 triệu thùng/ngày xuống trung bình 2,24 triệu thùng/ngày. Đến năm 2022, sản lượng của các công ty dầu đá phiến Mỹ dự báo tăng khoảng 500.000 - 1,3 triệu thùng/ngày.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 7/2021 tăng 0,03 triệu thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,52 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 7/2021 giảm 75 nghìn thùng so với tháng trước, đạt 1,12 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhựa đường tăng 62 nghìn thùng/ngày lên 1,97 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2021. Sản lượng dầu thô truyền thống tăng 75 nghìn thùng, đạt 1,27 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL giảm 31 nghìn thùng/ngày đạt 1,13 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2021.
Nguồn cung dầu của Canada dự kiến đạt 5,5 triệu thùng/ngày trong quý 3, quý 4 ở mức 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2021, nguồn cung dự báo sẽ tăng 0,32 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,49 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 8/2021 giảm 0,03 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,72 triệu thùng/ngày, tăng 0,57 triệu thùng/ngày so với tháng 8/2020. Dự báo năm 2021 đạt trung bình 10,78 triệu thùng/ngày, tăng 0,19 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Na Uy: Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 7/2021 tăng 85 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,75 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 97 nghìn thùng/ngày trong tháng 7/2021 so với tháng liền trước, đạt 0,27 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu mỏ tăng 0,19 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 2,03 triệu thùng/ngày. Dự kiến năm 2021, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình đạt 2,07 triệu thùng/ngày, tăng 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 7/2021 tăng 0,14 triệu thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 3,05 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học tăng 0,15 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,75 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2021. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng dự báo đạt 3,74 triệu thùng/ngày, tăng 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 7/2021 giảm 0,09 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,23 triệu thùng/ngày, tăng 0,13 triệu thùng/ngày so với tháng 7/2020. Sản lượng dầu thô tháng 7/2021 giảm 83 nghìn thùng/ngày, đạt 3,97 triệu thùng/ngày.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, do sự bùng phát trở lại của virus corona và việc cắt giảm mạnh hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu làm ảnh hưởng đến sản lượng tại các nhà máy lọc dầu. Sản lượng lọc dầu trong tháng 8/2021 đạt 58,35 triệu tấn, tương đương 13,74 triệu thùng/ngày (bpd), giảm 2,2% so với một năm trước đó. Tổng sản lượng lọc dầu trong 8 tháng đầu năm 2021 đạt 470,79 triệu tấn, tăng 7,4% so với một năm trước đó, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.
Sản lượng dầu thô của Trung Quốc trong tháng 8/2021 đạt 17,03 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng năm 2021, sản lượng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 133,22 triệu tấn.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu trong nước. Năm 2020 Trung Quốc là một trong số ít quốc gia cho thấy nguồn cung dầu tăng 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2019, bất chấp đại dịch Covid-19. Dự báo năm 2021, sản lượng dầu mỏ sẽ tăng 0,13 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,25 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,29 triệu thùng/ngày, tăng 0,04 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 dự báo tăng khoảng 0,92 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 63,85 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2021 dự kiến là Canada, Na Uy và Brazil.
Nhu cầu
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 3 tháng liên tiếp khi biến chủng virus Delta lây lan mạnh, làm gián đoạn hoạt động tại các nước ở châu Á.
Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc trong tháng 7/2021 tăng 0,18 triệu thùng/ngày so với tháng 7/2020. Nhu cầu xăng dầu tăng trưởng được góp phần bởi xăng và LPG.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhập 44,53 triệu tấn dầu trong tháng 8/2021, tương đương 10,49 triệu thùng/ngày (bpd), tăng so với 9,71 triệu thùng/ngày nhập khẩu trong tháng 7/2021, nhưng vẫn thấp hơn mức 11,18 triệu thùng/ngày nhập khẩu vào tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 346,36 triệu tấn dầu thô, khoảng 10,4 triệu thùng/ngày, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Việc mua dầu thô tăng là do các nhà máy lọc dầu đang tăng tốc độ vận hành để đáp ứng nhu cầu dầu nhiên liệu ở Trung Quốc. Trong khi đó, báo chí công nghiệp địa phương đưa tin đã cấp hạn ngạch nhập khẩu 4,42 triệu tấn dầu thô trong tháng 8/2021 cho 4 công ty. Đợt hạn ngạch tiếp theo dự kiến sẽ được ban hành vào tháng 9 hoặc tháng 10 do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập, chiếm 1/5 lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,73 triệu tấn các sản phẩm dầu tinh luyện trong tháng 8/2021, giảm so với 4,64 triệu tấn trong tháng 7/2021, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Nhập khẩu khí tự nhiên trong tháng 8/2021 đạt 10,44 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại Trung Quốc, nhu cầu dầu mỏ được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng trong cuối năm 2021 do hoạt động kinh tế phục hồi. Các ngành kinh tế chính được dự đoán sẽ phục hồi tích cực do các ngành giao thông vận tải, hóa dầu và công nghiệp. Ước tính nhu cầu dầu cho năm 2021 dựa trên nhu cầu xăng tăng so với cùng kỳ năm trước do sự phát triển của nền kinh tế, nhưng có thể phải đối mặt với một số thách thức khi doanh số bán xe giảm. Nhu cầu đối với LPG và naphtha được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng tích cực do hoạt động thương mại phát triển.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự đoán sẽ tăng 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng mạnh nhất.
Ấn Độ: Nhu cầu nhiên liệu tại Ấn Độ trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021, do các biện pháp phong tỏa và hạn chế để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan được dỡ bỏ ở hầu hết các bang, qua đó thúc đẩy hoạt động công nghiệp và lưu lượng giao thông tăng.
Theo dữ liệu của Cơ quan Kế hoạch và Phân tích Dầu khí (PPAC), tiêu thụ nhiên liệu trong tháng 7/2021 ở mức 16,83 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng 6/2021 và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán xăng trong tháng 7/2021 tăng 16,6% lên 2,63 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,2% so với tháng 6/2021. Tiêu thụ dầu diesel, chiếm khoảng 40% doanh số bán nhiên liệu tinh chế của Ấn Độ, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 6,14 triệu tấn, nhưng giảm 1% so với tháng trước.
Nhập khẩu dầu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng, đạt khoảng 4,2 triệu thùng/ngày vào tháng 8/2021, tăng khoảng 23% so với tháng 7/2021 và khoảng 6,2% so với tháng 8/2020. Các nhà máy lọc dầu có kế hoạch tăng cường hoạt động do nhu cầu tăng trong mùa lễ hội. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ chủ yếu mua dầu trước khoảng hai tháng để chế biến.
Doanh số bán dầu diesel của các nhà bán lẻ nhiên liệu nhà nước đạt 2,1 triệu tấn trong thời gian từ ngày 1-15/9, giảm khoảng 1,5% so với năm ngoái và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh số bán xăng dầu, chiếm khoảng 2/5 tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu tinh chế nói chung của Ấn Độ, có liên quan trực tiếp đến hoạt động công nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Doanh số bán xăng tháng 9/2021 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 3,4% so với tháng 8.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tăng mạnh 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2021 so với tháng 6/2020, sau khi tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng liền kề trước đó. Nhu cầu dầu mỏ tăng chủ yếu là dầu diesel và xăng, do các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, tỷ lệ tiêm vaccine tăng và các ca nhiễm Covid-19 giảm.
Vào năm 2022, nhu cầu dầu của OECD ở châu Âu dự kiến sẽ tăng khoảng 0,6 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 6,0 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với dự báo của tháng trước, đạt 96,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong khu vực OECD, dự đoán nhu cầu dầu năm 2021 sẽ tăng 2,6 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,6 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 ước tính tăng 3,4 triệu thùng/ngày so với năm 2020, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với dự báo tháng trước, đạt 51,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh. Phần lớn những tác động kinh tế tích cực này dự báo sẽ đạt được tăng trưởng trong cuối năm 2021. Năm 2022, nhu cầu dầu ước tính tăng 2,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Nhu cầu xăng dự đoán sẽ tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái, khi hoạt động kinh tế phục hồi trên toàn cầu. Nhu cầu dầu diesel dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao thứ 2 trong bối cảnh triển vọng kinh tế được cải thiện trong năm 2021. Các sản phẩm chưng cất sẽ được hỗ trợ phần lớn bởi nhu cầu hóa dầu mạnh ở các nước Trung Quốc, Mỹ.
Ở khu vực ngoài OECD nhiên liệu cho vận tải và công nghiệp dự đoán sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu, cùng với nguyên liệu hóa dầu, tập trung ở thị trường Trung Quốc.
Các khu vực khác của Châu Á, châu Mỹ Latinh và Trung Đông cũng được kỳ vọng sẽ có mức tăng khá do kinh tế đang có những triển vọng tích cực.
Rủi ro sẽ vẫn cao trong cuối năm 2021 do dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở một số nước và khu vực châu Á.
OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 99,9 triệu thùng/ngày, tương đương với mức trung bình năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại châu Á, song nhu cầu này có thể tăng trở lại vào tháng tới.
Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, nhu cầu dầu mỏ giảm trung bình khoảng 310.000 thùng/ngày do số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại châu Á, tuy nhiên dự kiến nhu cầu sẽ tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021.
IEA cho biết tình hình dịch bệnh hiện đã khả quan hơn, với số ca mắc mới trên toàn cầu giảm trong những tuần gần đây và quá trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 và chương trình tiêm chủng vẫn tiếp tục đạt nhiều tiến bộ. Tại nhiều nước, các biện pháp hạn chế dịch bệnh cũng đã được nới lỏng.
IEA dự báo nhu cầu toàn cầu có thể tăng 5,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021, giảm nhẹ so với dự báo trước đó, song tăng trưởng trong năm 2022 sẽ tăng nhẹ.
Nguồn:VITIC