menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 2/2/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:37 02/02/2023

Lượng tồn kho ngô đang dần thắt chặt ở Brazil sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô trong thời gian tới.
 
Giá ngô đang tiếp tục đà tăng sau phiên hồi phục hôm qua. Thị tường ngô trong tuần vừa rồi chỉ diễn biến rung lắc mạnh, lực mua đang có dấu hiệu được đẩy mạnh khi giá vừa test lại vùng hỗ trợ 670. Bên cạnh mối lo ngại chính là hạn hán ở Argentina đang quay trở lại sau đợt mưa lớn đầu tiên sau vài tháng thì các thông tin xung quanh nguồn cung ở Brazil cũng đang tác động mạnh mẽ lên giá. Mặc dù trong trung hạn, đà tăng vẫn được hỗ trợ do lượng mưa không đồng đều gây gián đoạn gieo trồng vụ 2 nhưng việc bán hàng tăng mạnh lại tác động trái chiều và hạn chế đà tăng khiến cho giá vẫn chưa xác nhận xu hướng rõ ràng trong vài phiên gần đây.
Theo báo cáo từ Ban thư ký ngoại thương (Secex), xuất khẩu ngô của Brazil đạt tổng cộng 6.35 triệu tấn trong tháng 1, cao hơn gấp đôi so với mức 2.73 triệu tấn cùng kì năm ngoái và cũng là mức xuất khẩu kỉ lục hàng tháng. Nhu cầu chủ yếu đến từ Trung Quốc, quốc gia đã mở cửa thị trường ngũ cốc với Brazil vào cuối năm 2022. Trung Quốc là khách hàng với 1.165 triệu tấn ngô từ Brazil vào năm 2022, trong đó gần như toàn bộ được vận chuyển vào tháng 12, chiếm 18% tổng lượng ngô xuất khẩu của nước này trong tháng cuối năm ngoái. Mặc dù lượng hàng từ Brazil được đẩy mạnh nhưng tác động “bearish” từ thông tin này sẽ không còn mạnh trong vài tháng tới do tồn kho sẵn có đang dần sụt giảm và hoạt động thu hoạch cho mùa vụ mới vẫn chưa bắt đầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá ngô Mỹ sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Hai tuần qua, tình trạng khô hạn trở lại ở hầu hết các khu vực sản xuất chính của Brazil. Phần lớn Goiás và Minas Gerais hầu hết nhận được lượng mưa dưới mức trung bình. Tình trạng khô hạn kéo dài được quan sát thấy vào đầu mùa vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng của các vùng sản xuất phía Nam. Độ ẩm của đất ở đó vẫn ở mức thấp nhất trong 5 năm và mối lo ngại đang gia tăng vì tình trạng khô hạn sẽ không có hồi kết. Nhìn chung, mặc dù chưa quá nghiêm trọng những ảnh hưởng của thời tiết cũng đang thiện về bên mua.

Thay đổi trong dự đoán cán cân cung – cầu có thể giúp giá cà phê khởi sắc trở lại trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 2, cả hai mặt hàng cà phê đều quay đầu giảm sâu. Báo cáo tồn kho khả dụng của Châu Âu cho thấy mức tồn kho kết thúc năm 2022, tăng 6.7% so với năm 2021, cùng với tồn kho đạt chuẩn Arabica trên sở ICE US đã tăng trở lại mức cao nhất trong 7 tháng đã gây sức ép khiến giá quay đầu giảm.
Trái với diễn biến trước đó, các thông tin cơ bản mới đây đang dần chuyển mình theo hướng tác động “bullish” đến giá. Mới đây, Rabobank đã điều chỉnh lại dự báo cán cân cung – cầu cà phê toàn cầu cho niên vụ 2023/24, thay vì mức thặng dư 4 triệu bao loại 60kg được đưa ra trong báo cáo trước, cơ quan này đã hạ xuống còn 1.6 triệu bao trong bối cạnh dự đoán sản lượng cà phê của Brazil sẽ tăng nhẹ hơn so với kỳ vọng. Theo đó, Rabobank dự đoán sản lượng cà phê của Brazil sẽ đạt 67.1 triệu bao, tăng so với mức 63.2 triệu bao của năm 2022.
Trước đó, Volcafe cũng thể hiện lo ngại về mùa vụ cà phê của Brazil, đặc biệt là tại bang Minas Gerais, cắt giảm dự báo sản lượng niên vụ 2023/24 từ 49.8 triệu bao xuống còn 40.5 triệu bao. Điều này trái ngược với niềm tin của thị trường về một mùa vụ khởi sắc, bất chấp chu kỳ mất mùa 2 năm một lần, nhờ lượng mưa dồi dào thời gian gần đây. Những nhận định trái chiều về nguồn cung có thể khiến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường bị giao động, phần nào tác động “bullish” lên giá.
Ở chiều ngược lại, số liệu tồn kho khả năng cao sẽ là yếu tố hạn chế phần nào đà tăng của mặt hàng này. Theo đó, mức tồn hiện tại đã đặt gần 880,000 bao, cao nhất trong 7 tháng và động lượng tăng vẫn còn khi còn 58,851 bao đang chờ phân loại tiếp. Cùng với đó, số liệu xuất khẩu Arabica trong tháng 01 của Honduras tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước, được biết khoảng 50% cà phê giao dịch trên ICE đến từ quốc gia này. Do đó, vấn đề nguồn cung đang trong tình trạng nới lỏng.

Vắng bóng tin tức cung cầu mới, giá đồng nhiều khả năng theo sát diễn biến đồng USD
Sau khi ghi nhận phiên giảm mạnh vào hôm qua, giá đồng mở cửa phiên giao dịch ngày hôm nay với lực mua áp đảo và hiện giá đang giằng co đi ngang.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm vào sáng nay, đúng với kỳ vọng của thị trường. Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã tăng lãi suất chuẩn thêm 0.25%, đưa phạm vi lãi suất lên 4.5% đến 4.75%, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2007. Điều này kéo theo đồng USD suy yếu, sáng nay đã có lúc Dollar Index rơi chạm ngưỡng 100, ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022. Sự suy yếu của đồng USD khiến chi phí mua đồng giảm đối với người mua, thúc đẩy lực mua trong phiên hôm nay và sẽ là động lực chính giữ cho giá tăng trong cả phiên hôm nay.
Về nhu cầu từ phía Trung Quốc, hiện nhu cầu tiêu thụ đồng cần thời gian để phục hồi và hàng tồn kho tiếp tục tích lũy, đây là lực cản cho giá đồng tăng bất chấp lo ngại nguồn cung thắt chặt. Thị trường hiện dự báo nhu cầu tiêu thụ đồng tại Trung Quốc sẽ dần phục hồi hoàn toàn từ ngày 5 tháng 2 tới đây, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Vào ngày 28 tháng 1, cuộc họp điều hành của Hội đồng Nhà nước đã chỉ ra rằng chính quyền địa phương nên tận dụng tốt hộp công cụ chính sách, hỗ trợ các nhu cầu nhà ở cứng nhắc và cải thiện, đồng thời làm tốt công việc đảm bảo bàn giao các tòa nhà. Hiện tại, Sơn Đông, Thượng Hải, Quảng Đông, Liêu Ninh, Giang Tô, Trùng Khánh và những nơi khác đã đưa tiêu thụ bất động sản vào kế hoạch phát triển kinh tế năm mới của họ. Hiện nhiều thành phố của Trung Quốc cũng đang gấp rút hạ thấp hoặc thậm chí loại bỏ mức trần lãi suất thế chấp đối với những người mua nhà lần đầu trong những tuần gần đây nhằm kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.

Dầu thô có thể sẽ tiếp tục gặp áp lực khi thiếu vắng động lực thúc đẩy nhu cầu
Dầu thô mở cửa phiên với lực mua chiếm ưu thế, sau đà lao dốc mạnh hơn 3% trong phiên hôm qua, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ. Sau cuộc họp lãi suất, mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa dừng lại, và Fed sẽ chưa hạ lãi suất trong năm 2023. Tuy nhiên, điều mà thị trường đang trực tiếp nhìn nhận là việc lạm phát hạ nhiệt đáng kể, và tin rằng Fed đang gần đạt đến cuối chu kỳ thắt chặt.
Tâm lý lạc quan thể hiện qua việc các nhà giao dịch hợp đồng tương lai quỹ của Fed kỳ vọng lãi suất qua đêm chuẩn sẽ đạt đỉnh 4.89% vào tháng 6, trước khi giảm trở lại 4.39% vào tháng 12. Đây sẽ là yếu tố hạn chế đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, quay trở lại với triển vọng cung – cầu, thì đây vẫn đang là yếu tố lớn gây sức ép tới giá.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào ngày hôm qua đã cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27/01 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tổng sản phẩm được cung cấp trung bình 4 tuần đạt mức 19.3 triệu thùng, thấp hơn 10.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tiếp tục phản ánh nhu cầu có dấu hiệu suy yếu.
Tối nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp lãi suất, với kỳ vọng từ thị trường cho rằng 50 điểm cơ bản sẽ được bổ sung nhằm kiểm soát lạm phát. Lạm phát tại khu vực này vẫn đang ở mức cao và so với Fed, ECB có thể vẫn sẽ cần nhiều thời gian để duy trì đà tăng lãi suất này. Điều này sẽ gây ra lo ngại về suy thoái kinh tế và hạn chế nhu cầu tiêu thụ năng lượng, gây áp lực tới giá dầu.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Link gốc