menu search
Đóng menu
Đóng

TT năng lượng tuần đến 11/8/2018: Giá xăng giữ nguyên, dầu thế giới giảm

08:15 12/08/2018

Vinanet - Tuần qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu. Trên thế giới giá dầu mỏ đầu tuần tăng mạnh, nhưng vẫn khép lại một tuần đi xuống.

Theo thông tin từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, liên bộ quyết định giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 19.611 đồng/lít; giá xăng RON95-III không cao hơn 21.177 đồng/lít.

Đây là lần thứ tư liên tiếp giá xăng được giữ nguyên kể từ hồi tháng 6.
Riêng giá dầu diesel tăng 296 đồng/lít, không cao hơn 17.538 đồng/lít; dầu hỏa tăng 205 đồng/lít, không cao hơn 16.379 đồng/lít; dầu mazut tăng 257 đồng/kg, không cao hơn 15.013 đồng/kg.
Thời gian có hiệu lực từ 15h chiều nay (7/8).
Mức giá mới sau khi điều chỉnh

 

Để giữ bình ổn giá xăng trong bối cảnh giá dầu thô thế giới và tỷ giá tăng cao, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định tăng mức trích Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng. Mỗi lít xăng E5 RON 92 sẽ tăng chi sử dụng quỹ lên 1.194 đồng, tăng 341 đồng; xăng RON 95 cũng tăng thêm 459 đồng chi quỹ lên 554 đồng so với kỳ điều hành trước.
Hiện bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 7/8 là 81,551 USD/thùng xăng RON92; 83,799 USD/thùng xăng RON95; 85,714 USD/thùng dầu diesel; 87,109 USD/thùng dầu hỏa; 458,602 USD/tấn dầu mazut.
Chưa kể, biến động tỷ giá đồng Việt Nam (VND) so với Đô la Mỹ (USD) thời gian qua cũng tiếp tục xu hướng tăng, ở mức 23.099 VND (mua vào, tăng 94 đồng so với kỳ trước) và 23.295 VND (bán ra, tăng 216 đồng) tại Vietcombank.
Giá etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON9 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.654,5 đồng/lít (chưa có thuế VAT).
Theo văn bản số 6181/BCT-TTTN ngày 07.8.2018.2018 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) từ 15 giờ 00 cụ thể như sau:

Trên thị trường thế giới, giá dầu tăng mạnh đầu tuần nhưng vẫn khép lại một tuần đi xuống. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,5%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,2%.
Dù ba phiên đi lên trong tuần, giá dầu thế giới vẫn chứng kiến một tuần đi xuống, do đà giảm sâu trong phiên giữa tuần. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,5%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,2%.
Trong phiên đầu tuần (6/8/2018), giá dầu tăng mạnh sau khi các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng khai thác dầu của khối này bất ngờ giảm trong tháng 7/2018, làm dấy lên các lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu.
Hai nguồn tin tại OPEC cuối tuần trước cho biết Saudi Arabia – “anh cả” của tổ chức này – bơm khoảng 10,29 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường trong tháng Bảy vừa qua, giảm khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức trong tháng trước đó.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên ngày 7/8/2018 sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên hàng hóa Iran có hiệu lực, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của nước này, dự kiến vào tháng 11 tới, có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã phản đối các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran, song Washington nói rằng họ muốn nhiều nước ngừng mua dầu Iran.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 8/8, giá dầu thế giới giảm sâu khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu mỏ của Mỹ sụt giảm ít hơn dự đoán. Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2018 giảm 2,23 USD xuống 66,94 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2018 cũng giảm 2,37 USD xuống 72,28 USD/thùng.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 1,4 triệu thùng xuống 407,4 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn mức dự báo giảm 3 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg tiến hành.
Giá dầu nối dài sự sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/8/2018, giữa bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang làm tăng thêm sự hoài nghi về triển vọng của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 7/8/2018 cho biết bắt đầu từ ngày 23/8 tới, Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/8/2018 thông báo nước này quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ.
Trong phiên cuối tuần (10/8/2018), giá dầu lấy lại đà tăng, trước mối lo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ khiến nguồn cung thắt chặt. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 74 xu Mỹ lên 72,96 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 82 xu Mỹ lên 67,63 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8/2018 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay". Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".
Tuy nhiên, nhà quản lý Tariq Zahir, tại Tyche Capital, có trụ sở ở New York, lưu ý giá dầu vẫn sẽ chịu sức ép giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng chậm lại trong mùa Thu và các nhà máy lọc dầu đóng cửa bảo dưỡng, qua đó đẩy lượng dầu thô dự trữ tăng cao hơn.
Theo báo cáo hàng tháng của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ, vốn tăng đột biến nhờ sản lượng dầu khí đá phiến, có thể tăng chậm lại do giá giảm. Sản lượng dự kiến chỉ tăng 1,31 triệu thùng/ngày lên 10,68 triệu thùng/ngày trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo tăng 1,44 triệu thùng/ngày lên 10,79 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước.
Linda Capuano, người đứng đầu EIA, cho hay có khả năng giá dầu Brent giao ngay sẽ giảm xuống 70 USD/thùng vào cuối năm 2018 khi thị trường tương đối cân bằng trong vài tháng tới.
Nguồn: VITIC/Bnews,TTXVN

Nguồn:vinanet