menu search
Đóng menu
Đóng

Campuchia cấm xuất khẩu cát và những ảnh hưởng tới thị trường khu vực

14:49 27/05/2009

Ngày 08/05/2009, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thông báo cấm toàn bộ việc xuất khẩu cát, để tránh tình trạng khai thác cát quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lòng sông.

Theo báo Straits Times, việc Campuchia cấm xuất khẩu cát đang ảnh hưởng tới một số nhà cung cấp vật liệu xây dựng của Campuchia, song sẽ không có tác động nhiều tới các công ty xây dựng.

Năm 2007, lệnh cấm xuất khẩu cát của Indonesia gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Singapore, đẩy giá bê tông tăng từ 70 SGD/m3  lên 200 SGD/m3, khiến nhiều công ty xây dựng và nhà cung ứng vật tư điêu đứng. Các vụ kiện tụng cũng nổ ra xoay quanh những hợp đồng ký kết trước đó. Tư liệu của báo Asia Times hồi năm 2003 trích số liệu phía Singapore cho biết năm 2001, nước này nhập khẩu 300 triệu m3 cát của Indonesia. Và tháng 2.2002, khi một lệnh cấm xuất khẩu cát tạm thời của Chính phủ Indonesia được áp dụng, các dự án lấn biển của Singapore lâm vào thế “án binh bất động”.  Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2007, ngành xây dựng của Singapore đã đa dạng hoá nguồn cung cát, do vậy việc Campuchia cấm xuất khẩu sẽ không có ảnh hưởng nhiều tới họ.

Malaysia cũng đã cấm việc xuất khẩu cát từ năm 1997. Lo ngại của Malaysia không chỉ dừng ở vấn đề môi trường do việc khai thác cát gây ra, mà quan trọng hơn, nước này phản đối những dự án lấn biển của nước láng giềng.

Có nhiều nguồn cung cấp cát cho Singapore.  Ngành xây dựng của Singapore nhập 20% cát từ Campuchia. Sau cuộc khủng hoảng cát Indonexia, Cơ quan Xây dựng Singapore (BCA) đã nới lỏng các quy chế, cho phép sử dụng bột đá thay thế cát. Bột đá nhập khẩu từ Malaysia và Indonexia được sử dụng thay thế cát trong sản xuất bê tông.

Mặc dù có lệnh cấm xuất khẩu, nhiều công ty vẫn tiếp tục khai thác cát trên sông Mêkông, chờ khi Chính phủ nước này xem xét lại quyết định của mình, sau khi có những kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của việc khai thác cát đối với dòng sông này.

Báo Phnom Penh Post của Campuchia dẫn lời ông Mao Hak, Giám đốc Cục Thủy văn và Công trình đường sông của Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng cho biết có tổng cộng 124 công ty khai thác cát đang hoạt động tại Campuchia. Báo cáo của Global Witness nói thêm việc khai thác cát diễn ra với quy mô lớn nhất ở tỉnh Koh Kong, vùng cực tây nam của xứ sở chùa tháp. Tại đây, mỗi tuần có hàng ngàn tấn cát được Công ty Winton Enterprises có trụ sở ở Hồng Kông tải về Singapore. Các báo cáo địa phương cho hay mỗi tháng nơi đây xuất đi khoảng 40 – 50.000 tấn cát. Tổng trị giá xuất khẩu mỗi năm được Global Witness ước tính ít nhất là 8,6 triệu USD, trong khi bán lẻ ở Singapore được khoảng 35 triệu USD.

Nguồn:Vinanet