menu search
Đóng menu
Đóng

Diễn biến thị trường tuần qua (từ 03/3-07/03/2008)

14:38 10/03/2008

*Giá dịch vụ vận tải hàng hóa tăng mạnh

Chỉ vài ngày sau khi xăng dầu tăng giá, cước, phí dịch vụ vận tải hàng hóa tại khu vực Hải Phòng đã bắt đầu tăng giá theo. Tại nhiều bãi container, phí nâng hạ đã tăng từ vài ngày nay.

Cụ thể, phí nâng hạ container 20 feet rỗng đã tăng từ mức 84.000 VND/lượt lên mức 112.000 VND/lượt, có hàng đã tăng từ mức 168.000 VND/lượt lên mức 194.000 VND/lượt. Không riêng container 20 feet, phí nâng hạ các loại container 40 và 45 feet đều đã tăng mạnh. Trong đó, phí nâng hạ container 40 feet rỗng đã tăng trên 34.000 VND/lượt (từ 126.000 lên trên 160.000 VND/lượt). Còn phí nâng hạ container 40 feet có hàng hiện đã là gần 286.000 VND/lượt so với mức trên 250.000 VND/ lượt trước đó. Riêng phí nâng hạ container 45 feet có hàng hiện đã là trên 378.000 VND/lượt. Không chỉ vậy, tại một số bãi container đã bắt đầu thu thêm hoặc tăng phí gửi container.

Hiện chủ hàng và DN vận tải đã phải thống nhất phương án tăng cước vận tải theo hướng: chủ hàng bù cho chủ xe phần chi phí phát sinh ngoài hợp đồng vận tải do tăng giá nhiên liệu.

*Giá cá tra giảm mạnh

Trong lúc giá thức ăn, giá thuốc điều trị bệnh, giá xăng dầu, rồi lãi suất ngân hàng liên hồi tăng vọt thì giá cá tra lại sụt giảm thảm hại tại khu vực ĐBSCL.

Bình quân mỗi tuần giá thức ăn tăng thêm 200 đồng/kg (hiện giá thức ăn 28% đạm đã lên đến 8.500 đồng/kg). Với giá này, người nuôi giỏi (đạt 1,6kg thức ăn cho 1kg cá thịt) cũng gánh giá thành chăn nuôi từ 12.600-13.000 đồng/kg.  Hiện giá thịt trắng (loại 1) dao động nhẹ ở mức 14.700-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên trên bình diện chung, giá thu mua tại 60 nhà máy chế biến tại 60 nhà máy tại ĐBSCL đang dao động 14.200 đồng/kg, giảm hơn cùng kỳ năm trước 2.000-3.000 đồng/kg.

*EVN đề nghị tăng giá điện lên 917 đồng

Theo phương án tăng giá điện mới nhất mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa trình Bộ Công Thương, giá điện bình quân sẽ tăng thêm 6,6%, tức là từ 860 đồng cho mỗi kWh lên 917 đồng.

Theo lộ trình mà Chính phủ phê duyệt, mức giá bán lẻ bình quân áp dụng từ tháng 7/2008 sẽ là 890 đồng cho mỗi kWh, tăng 30 đồng so với mức 860 đồng hiện hành. Tuy nhiên, do chịu tác động bởi chi phí đầu vào như nhiên liệu, dầu khí, xi măng, sắt thép... EVN đề nghị bổ sung phương án thứ hai, tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 917 đồng cho mỗi kWh.

Theo đó, giá bán điện được xây dựng trên nguyên tắc bù chéo nội bộ giữa khối sản xuất và các khối còn lại. Như vậy, giá bán điện cho sản xuất sẽ tăng bình quân từ 857 đồng lên 917 đồng cho mỗi kWh, tăng 7%.

Đối với điện tiêu dùng sinh hoạt sẽ được tính theo bậc thang mới với mức tăng 10,4%, tức là từ 862 đồng lên 952 đồng cho mỗi kWh. Trong đó 50 kWh đầu tiên giữ nguyên, các nấc thang sau tăng khoảng 14%.

EVN đề nghị Bộ Công Thương duyệt phương án này và dự kiến áp dụng từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/12/2009. Hết thời điểm này, EVN sẽ tính toán mức giá áp dụng cho giai đoạn tiếp theo từ 2010, trên cơ sở giá thị trường.

*Cầu thấp nhưng giá phân bón vẫn trong xu hướng tăng

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu nhập khẩu urê chưa tăng nhưng do tác động của giá dầu thô tăng ở mức cao nên giá phân urê sẽ tăng nhẹ trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4.

Nguồn cung phân bón trên thị trường đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong khi nhu cầu chưa tăng (tại các tỉnh phía Bắc do thời tiết rét đậm khiến lịch gieo cấy chậm) và giá phân bón trên thị trường thế giới giảm nên hiện nay giá phân urê trong nước khá ổn định, các tỉnh phổ biến 6.700-7.000 đ/kg, tăng hơn 2.000-2.300 đ/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng nhu cầu urê cho vụ Đông Xuân 2007/2008 khoảng 870 ngàn tấn; trong đó miền Bắc cần 280 ngàn tấn (riêng vụ Đông khoảng 60-70 ngàn tấn, cung ứng trong các tháng 11 và 12/2007); miền Trung 110 ngàn tấn; Nam bộ 480 ngàn tấn. Thời gian cung ứng cho sản xuất vụ đông xuân đối với Nam bộ từ đầu tháng 11/2007, miền Trung từ tháng 1/2008, miền Bắc từ tháng 2/2008. Tồn kho đến ngày 22/2/2008: 182.000 tấn, ước sản xuất trong tháng 3 và 4 khoảng 160.000 tấn, do đó ước nhập khẩu khoảng 120.000 tấn.

*Giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao

Từ nay đến cuối tháng 3, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao. Hiện, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá chào bán 465-470 SÚD/tấn, FOB Thành phố Hồ Chí Minh. Dự báo giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong những tuần cuối tháng 3 do nguồn cung trên thị trường đang thắt lại.

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không nhiệt tình ký hợp đồng xuất khẩu mới bởi nỗi lo về nguồn cung khan hiếm sau khi thời tiết mùa đông năm nay quá lạnh.

Mặc dù các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch vụ lúa đông xuân nhưng do nhu cầu gạo xuất khẩu tăng cùng với giá gạo thế giới cao, mặt khác thời tiết tại các tỉnh phía Bắc còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sản xuất và sản lượng vụ đông xuân, nông dân có tâm lý hạn chế bán ra nên giá lương thực còn tăng. Hiện giá lương thực tăng từ 50-150 đ/kg tại nhiều nơi.Các tỉnh phổ biến 3800-4000 đ/kg (thóc đông xuân sớm) và 6200-6300 đ/kg (gạo tẻ thường).

*25 DN cá tra, ba sa ra khỏi danh sách xem xét thuế phá giá

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản VN (Vasep) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức đưa 25 nhà sản xuất cá tra, ba sa VN ra khỏi danh sách xem xét hành chính sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ tư giai đoạn từ 1.8.2006 đến 31.7.2007.

Cùng với việc một số Cty rút lại đề nghị tham gia, hiện chỉ còn 7 DN của VN nằm trong danh sách xem xét hành chính lần thứ tư. DOC cũng thông báo lùi thời hạn công bố kết quả sơ bộ của việc xem xét hành chính lần thứ tư này đến ngày 2.9.2008, thay vì ngày 2.5.2008 như dự kiến. 

 

Nguồn:Vinanet