menu search
Đóng menu
Đóng

Dự báo thị trường dược phẩm trong nước trong quý II/2008 sẽ ở mức ổn định

10:52 28/03/2008
Thị trường dược phẩm cả nước trong tháng 3/2008 vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc đồng đô la Mỹ giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác (Euro, Yên Nhật và đồng rupee của Ấn Độ), chi phí sản xuất đầu vào trong nước tăng… làm cho giá thuốc trong nước có sự điều chỉnh tăng, nhưng không có sự tăng giá đột biến và ngành y tế luôn đáp ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, thiên tai với chất lượng ngày càng nâng cao.
Giá thuốc trong tháng cụ thể như sau:
Thuốc sản xuất trong nước: Giá thuốc có biến động nhưng không nhiều. Khảo sát 6.632 mặt hàng thuốc trên thị trường ở 3 khu vực trọng điểm (Bắc, Trung và Nam) cho thấy có 0,4% mặt hàng tăng giá, mức tăng trung bình 9%; 0,2% mặt hàng giảm giá với mức giảm trung bình 6,6%. Giá thuốc điều chỉnh tập trung chủ yếu vào mặt hàng thuốc kháng sinh do giá nguyên liệu nhập khẩu cao (như: tetraxyclin 500mg tăng 12,5%; amikacin 500mg tăng 7%; ampicillin 250mg tăng 5,88%; amoxicillin 250mg tăng 5,56%…).
Thuốc nhập khẩu: Tỉ lệ mặt hàng tăng giá nhiều hơn tỉ lệ mặt hàng giảm giá, song mức tăng giá thấp hơn nhiều so với mức giảm giá. Cụ thể: qua khảo sát 203 mặt hàng có 11,3% mặt hàng tăng giá, mức tăng trung bình là 4,4% và 2% mặt hàng giảm giá với mức giảm trung bình 8,87%. Việc điều chỉnh giá thuốc nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc nhập từ Pháp, Hungari, Nhật và Ấn Độ (như: coversyl 4mg tăng 8,4%, Rodogyl tăng 7,9%, diamicron tăng 5,9%, Exomuc 200mg tăng 2,6%… và thuốc maxidex giảm 16,3%, quinaxdrop giảm 13,89%, azoptdrop giảm 10,19%, betoptic 0,25% giảm 8,1%….).
Nguyên liệu làm thuốc: giá nguyên liệu nhập khẩu trong tháng đều tăng. Nguyên liệu kháng sinh nguồn nhập từ Ấn Độ chiếm tỉ trọng lớn trên thị trường giá tăng mạnh (như: ampicillin compacted tăng 32,54%, amoxicillin tăng 34,29%, cephalexin tăng 11,2%…) và giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc bổ nguồn từ Trung Quốc tăng nhẹ (như: vitamin B1 tăng 2,4%; vitamin B6 tăng 1,11%, vitamin C tăng 1,34%, trimethoprim tăng 1,66%…).
Nhìn chung thị trường dược phẩm trong nước quý I/2008 cung cầu về thuốc cân đối, giá thuốc (kể cả thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập  khẩu) có sự điều chỉnh nhẹ theo cơ chế thị trường, nhất là trong tình hình lạm phát chung hiện nay, nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến và luôn trong tầm kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý giá thuốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu trong quý I/2008 xu hướng chung là tăng và tập trung chủ yếu ở nhóm kháng sinh.
Dự báo thị trường dược phẩm tháng 4 và quý II/2008 giá thuốc tiếp tục có sự điều chỉnh theo diễn biến của giá cả thị trường.
Thuốc sản xuất trong nước: Giá tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào nguồn nhập chiếm tỉ trọng lớn là Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức cao, hơn nữa các khoản chi phí sẽ tăng theo giá xăng dầu, vận chuyển, lương…
Thuốc nhập khẩu: Xu hướng chung là giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số mặt hàng có điều chỉnh giá theo tỉ giá đồng ngoại tệ (euro) và chủ yếu là các biệt dược có nguồn nhập từ châu Âu.

Nguồn:Vinanet