menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vật liệu xây dựng tại Bình Định giảm, sức mua cũng giảm

16:55 17/02/2009
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) lại diễn biến phức tạp như từ giữa năm 2008 đến nay. Cách đây chừng 6-7 tháng, các mặt hàng VLXD “cháy hàng” và giá cả tăng rất cao. Hiện nay thì ngược lại, nhiều mặt hàng VLXD giảm giá mạnh và thị trường tiêu thụ cũng rất ế ẩm.
* Nhiều mặt hàng giảm giá
Khác với sự sôi động và tăng giá đến chóng mặt của những tháng giữa năm 2008, giá VLXD ở thời điểm hiện nay đã “hạ nhiệt” và xu hướng sẽ còn giảm nữa trong thời gian đến. Giữa năm 2008, giá VLXD trên thị trường ở vào đỉnh điểm, thép xây dựng tăng đạt mức kỷ lục, đến khoảng 21,5 triệu đồng/tấn. Còn hiện nay, giá thép xây dựng (phi 6 - 8) đã giảm khoảng 50% so với thời điểm cao nhất, xuống còn 11 triệu đồng/tấn. Cùng với sự giảm giá của thép xây dựng, xi măng cũng không ngoại lệ, liên tục giảm. Hiện nay, giá bán lẻ 2 loại xi măng được tiêu thụ mạnh nhất tại TP Quy Nhơn là Hoàng Thạch và Phúc Sơn chỉ còn 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn, giảm 25% so với thời điểm giữa năm 2008. Thậm chí, một số nơi còn giảm giá thêm cho khách hàng từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/bao hoặc miễn cước phí vận chuyển để tăng sức mua.
Không chỉ sắt thép, xi măng, các loại VLXD khác cũng giảm giá đáng kể so với thời điểm giữa năm 2008. Đá xây dựng, cát, sỏi giảm từ 15-20%. Đặc biệt, giá gạch tuy nen giảm rất mạnh. Hiện nay, giá gạch ngay tại nhà máy của Công ty CP gạch Tuy nen Bình Định từ 900 - 1.000 đồng/viên (tùy loại), giảm 500 đồng/viên so với tháng 9.2008. Các loại gạch ốp lát cao cấp, như Prime, Hồng Hà, Bạch Mã, Cosevco... cũng giảm từ 10-12% (tùy loại). Hiện nay, giá gạch Prime loại 40x40 là 70.000 đồng/m2, loại 25x40 là 75.000 đồng/m2; Cosevco loại 25x40 là 65.000 đồng/m2, loại 40x40 là 55.000 đồng/m2…
Giá các mặt hàng sơn nước dùng sơn tường trong nhà và bên ngoài cũng giảm nhẹ. Các loại sơn nước thông dụng, như Putex, Expo, Farco… từ 300 - 320 ngàn đồng/thùng, giảm 10%. Các loại sơn cao cấp, như Spring, Boss, BB Blon… giá từ 500 - 800 ngàn đồng/thùng. Các loại tấm nhựa trần, cửa nhựa… giá cũng giảm từ 15-20% so với thời điểm cuối năm 2008.
* Thị trường ế ẩm
Theo nhận định của giới kinh doanh VLXD tại TP Quy Nhơn, ở thời điểm này mọi năm, thị trường VLXD bắt đầu sôi động, nhưng năm nay vẫn chưa có gì biến chuyển so với vài ba tháng trước. Khác thời điểm nóng bỏng lúc thị trường VLXD lên cơn sốt trong năm 2008 khách hàng phải chen nhau mua hàng dự trữ, hiện nay cảnh chợ chiều lại diễn ra với hầu hết cửa hàng VLXD trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Bà Dương Thị Phi Tuyền - Phó Giám đốc DNTN Quang Tri (TP Quy Nhơn), chuyên kinh doanh VLXD - cho biết: “Mỗi khi thị trường VLXD biến động theo chiều hướng tăng giá, sức tiêu thụ tăng mạnh hơn do tâm lý người tiêu dùng sợ giá tăng cao. Ngược lại, với đà giảm giá như thời gian qua, người tiêu dùng lại có tâm lý chờ đợi giá giảm hơn nữa để mua, nên sức mua hiện nay rất thấp. Ngay tại các cửa hàng VLXD của DN chúng tôi, sức tiêu thụ cũng giảm từ 20-30%”. Không riêng gì DNTN Quang Tri, tại nhiều cửa hàng VLXD trên địa bàn TP Quy Nhơn, lượng khách hàng cũng rất thưa thớt. Nhiều chủ cửa hàng, đại lý bán VLXD than phiền rằng hàng tồn kho chưa bán hết nay giá lại tiếp tục giảm, nên đành phải chịu lỗ vốn.
Trước tình hình này, để cạnh tranh, nhiều đại lý còn giảm giá thêm khoảng 5% từ phần chiết khấu của công ty cho khách hàng để tăng sức mua, nhằm thu hồi vốn. Nhiều cửa hàng VLXD tung ra đội ngũ nhân viên tiếp thị, tự tìm đến các công trình xây dựng từ lớn đến nhỏ, kể cả công trình dân dụng để mời chào, báo giá các mặt hàng VLXD, cập nhật mức giá giảm từng ngày để thu hút khách hàng. Các DN sản xuất VLXD cũng đưa ra các chiêu bài kinh doanh, như giảm giá, phục vụ đến chân công trình, nhưng kích cầu cũng không đáng kể.
Công ty CP gạch Tuy nen Bình Định đang thực hiện chiến lược kinh doanh như: bán hàng theo giá linh hoạt, khuyến mãi 5% giá bán và giao hàng tại chân công trình, nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ khoảng 60% so với thời điểm giữa năm 2008, nên lượng gạch tồn kho còn khá nhiều. Trước tình hình này, không cách nào khác hơn là công ty đành phải cắt giảm 50% sản lượng.
 

Nguồn:Tin tham khảo