menu search
Đóng menu
Đóng

Hợp tác Tiểu vùng CLMV về vận tải hàng không

14:31 05/05/2008
Hợp tác giữa các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế, vận tải hàng không tương đồng theo quy mô tiểu vùng là bước đi tích cực để thực hiện chính sách vận tải hàng không theo hướng tự do hóa của ASEAN.
Việc thiết lập Hợp tác tiểu vùng giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Việt Nam, Myanmar (CLMV) có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không dân dụng mỗi nước. Mục tiêu chính của các tiểu vùng hợp tác về vận tải hàng không là nhanh chóng đưa ra một kế hoạch hợp tác phát triển các đường bay và cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không nhằm nối các điểm trong khu vực mà không hạn chế tần suất, tải cung ứng cũng như loại tàu bay khai thác.

Hình thức và mức độ hợp tác theo quy mô tiểu vùng là phù hợp tình hình thực tiễn trong ASEAN khi đó, bảo đảm cho hãng hàng không của các nước có điều kiện cọ xát với môi trường tự do cạnh tranh hơn, từng bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển cao hơn, đó là tự do hóa trong ASEAN, APEC và trên quy mô toàn cầu.

Hội nghị lần thứ nhất các Cục trưởng hàng không dân dụng Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Liên bang Myanmar, và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tháng 1-1998 tại TP Hồ Chí Minh  đã ký thỏa thuận chính thức thành lập Hợp tác tiểu vùng về vận tải hàng không giữa bốn nước (Hợp tác tiểu vùng CLMV).

Tại hội nghị này, vai trò của vận tải hàng không trong nền kinh tế quốc dân và mong muốn tham gia một cách tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế về vận tải hàng không, theo xu thế tự do hóa được quan tâm và đánh giá cao. Ðồng thời Hội nghị cũng tán thành việc thành lập một thị trường vận tải hàng không quốc tế chung, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thị trường CLMV, tạo điều kiện cho các hãng hàng không của bốn nước nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào khai thác thị trường vận tải hàng không quốc tế. Hợp tác tiểu vùng CLMV đã thống nhất chính sách tự do hóa vận tải hàng không, là đối sách của tiểu vùng gồm những nước có trình độ phát triển chậm hơn so với các nước khác trong ASEAN và khu vực trong quá trình tự do hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Với các nguyên tắc hợp tác cơ bản về vận tải hàng không theo hướng tự do hóa: không hạn chế khai thác thương quyền 3, 4, 5, tải cung ứng và tần suất; số lượng các hãng hàng không được chỉ định, cho phép các hình thức hợp tác khai thác giữa các hãng hàng không... đã góp phần đáng kể vào việc phát triển ngành hàng không dân dụng của mỗi nước đồng thời từng bước giúp các nước thành viên tham gia quá trình tự do hóa về vận tải hàng không trong khu vực.

Phó cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh khẳng định, hợp tác tiểu vùng CLVM là hợp tác đầu tiên trong khu vực về tự do hóa vận tải hàng không, được Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá cao. Là thành viên tích cực của hợp tác tiểu vùng CLVM, thời gian qua Việt Nam không chỉ cùng các nước Cam-pu-chia, Lào, Myanmar cơ bản thiết lập thị trường hàng không quốc  tế chung giữa bốn nước, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư, du lịch của bốn  nước, từng bước tham gia khai thác thị trường vận tải hàng không quốc tế thông qua việc hợp tác xây dựng mạng đường bay hợp lý, mà còn góp phần nâng cao thế và lực của ngành hàng không Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như năm 1998, tổng dung lượng hành khách các hãng hàng không vận chuyển giữa các nước CLVM chỉ là 101 nghìn khách, thì đến nay tăng hơn 7 lần.

Mười năm trước, Vietnam Airlines chỉ khai thác 25 chuyến bay mỗi tuần đến hai điểm trong tiểu vùng thì nay mỗi tuần có 96 chuyến bay đến bốn điểm. Một số hợp tác khác được thực hiện trong kế hoạch hành động dài hạn của tiểu vùng như cung cấp dịch vụ khí tượng, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý khai thác  sân bay, bảo đảm an ninh sân bay, khai thác hỗ trợ  lẫn nhau trong việc xây dựng các chương trình  đơn giản hóa thủ tục tại sân bay giữa Sân bay quốc tế Nội Bài và Sân bay quốc tế Vặt Tày giữa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Sân bay quốc tế Pochentong và Sân bay quốc tế Xiêm Riệp, Trung tâm quản lý bay Việt Nam và Trung tâm quản lý bay Lào. Ðưa một số sân bay gồm Phú Bài (Huế), Cát Bi (Hải Phòng), Luang Prabang, Pắc Xế vào danh mục các sân bay cho các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không CLMV...

Sự hợp tác về vận tải hàng không của bốn nước đã tạo ra một sân chơi bình đẳng trên nguyên tắc vừa hợp tác vừa cạnh tranh, phù hợp trình độ phát triển của lực lượng vận tải hàng không của các nước trong tiểu vùng, tạo thế cạnh tranh cho các hãng hàng không tiểu vùng khai thác thế mạnh của thị trường du lịch CLMV, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào khai thác thị trường vận tải hàng không quốc tế, đồng thời thúc đẩy các hãng hàng không đẩy mạnh các hình thức hợp tác và phát triển mạng đường bay trong tiểu vùng.  Hiệp định đa biên CLMV về vận tải hàng không đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không thiết lập các đường bay thẳng giữa các nước tiểu vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân các nước CLMV cũng như các đường bay xuyên vùng để kết nối các thủ đô, thành phố có nhiều tiềm năng du lịch như Yangon, Mandalay, Viêng Chăn, Luang Prabang, Xiêm Riệp, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm phát triển Tiểu vùng CLMV trở thành một thị trường du lịch thống nhất có sức hấp dẫn cao. Ðồng thời hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhất là vấn đề an toàn và an ninh hàng không, phối hợp giá cước, vé điện tử, miễn visa cho khách du lịch đến Tiểu vùng CLMV... Các hãng hàng không Tiểu vùng CLMV phát triển các hình thức hợp tác giữa các hãng hàng không và với các đối tác kinh doanh du lịch để mở rộng mạng đường bay trong tiểu vùng và trong khu vực, góp phần phục vụ chiến lược phát triển du lịch, thu hút đầu tư của mỗi nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu của ASEAN đề ra.

Nguồn:Nhân Dân