menu search
Đóng menu
Đóng

Phản ứng của thị trường đối với quyết định tăng thuế nhập khẩu ô tô lên 70%

14:11 19/03/2008
Ngày 11-3-2008, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã ký quyết định tăng thuế đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ 60% lên 70%. Tiếp theo đó, dòng ô tô đã qua sử dụng cũng áp tăng mức thuế tuyệt đối, thấp nhất cũng 10%... Chuyện gì lại đang tiếp tục xảy ra với thị trường ô tô Việt Nam?
Nhiều cái “được” khi thuế là 60%
Cái “gút” đã được “mở” ở phân khúc thị trường ô tô nhập nguyên chiếc trong năm 2007 đó là: 3 lần được giảm thuế nhập khẩu, đã làm cho người tiêu dùng và giới kinh doanh hồ hởi. Cụ thể là, tháng 1-2007 thuế nhập khẩu từ 90% giảm xuống còn 80%; tháng 8 tiếp tục giảm xuống còn 70% và đến giữa năm 2007 giảm chỉ còn 60%.

Một cán bộ trong Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã thừa nhận, một năm khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm, phân khúc xe nhập đã làm thị trường ô tô trong nước sôi động một cách tích cực.

Điều ai cũng nhìn thấy, khi mức thuế nhập khẩu ô tô còn 60%, trong năm qua và đến thời điểm giữa tháng 3-2008, lượng xe nhập về tăng đột biến. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ 2 tháng đầu năm 2008 đã có gần 10.000 ô tô được nhập khẩu nguyên chiếc, tổng giá trị gần 190 triệu USD, ước tính tăng khoảng 330% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, phát triển phân khúc xe nhập đã đem đến nhiều cái lợi. Đó không chỉ là việc đóng góp lớn về thuế cho ngân sách mà đã góp phần làm đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm, thương hiệu ô tô cho người tiêu dùng lựa chọn.

Năm 2007 thị trường ô tô Việt Nam mới có cơ hội chứng kiến hàng loạt dòng xe “hàng độc” được nhập khẩu như Lamborghini, Ferrari, Audi, Bentley, Rolls-Royce…, rồi hàng ngàn xe hạng sang, có thương hiệu như Mercedes-Benz, Lexus, Nissan, BMW, Porche… cũng đã chọn Việt Nam làm thị trường phát triển có chiến lược.

Cái được lớn hơn nữa khi thuế nhập khẩu giảm còn 60% đã “kích cầu” cho xe nhập về nhiều làm “đối trọng” về giá với xe sản xuất trong nước. Hiệu quả là trong năm 2007 đã có nhiều liên doanh sản xuất ô tô trong nước chính thức tuyên bố giảm giá bán xe một cách trực tiếp. Nhiều hãng không tuyên bố giảm giá trực tiếp thì cũng có động thái gián tiếp giảm giá thông các chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc khách hàng… 
Người tiêu dùng bị thua thiệt
Ngày 11-3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung ký quyết định tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lên 70%, thuế tuyệt đối của ô tô đã qua sử dụng nhập về cũng tăng cao nhất là 3.000 USD/chiếc.

Dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi quanh việc tăng thuế một cách đột ngột và chuyện gì sẽ xảy ra cho thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới? Tăng thuế nhập khẩu để hạn chế xe nhập nhằm giảm ùn tắc giao thông? Hay tăng là nhằm giảm nhập siêu góp phần kiềm chế lạm phát? Nếu là bài toán giảm ách tắc giao thông thì sao không tăng thuế đối với xe sản xuất trong nước? Phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho rằng, tăng thuế nhập khẩu đột ngột đã làm họ không kịp “trở tay”.

Một số nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền các dòng ô tô tại Việt Nam cũng cho rằng, họ sẽ tăng giá xe khi thuế nhập khẩu tăng. Theo ông Hà Minh Tuấn, Tổng Giám đốc của Hyundai Việt Nam (HMV) cho rằng, có thể mức tăng sẽ từ 4%-6%.
Euro Auto - nhà phân phối độc quyền BMW tại Việt Nam cho rằng, trước mắt vẫn giữ nguyên giá cho các hợp đồng đặt cọc mua xe trước khi có quyết định tăng thuế, sau đó sẽ xây dựng và công bố giá mới ít nhất cũng tăng từ 10%-15%.

Ở góc độ kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng, cách tăng thuế nhập khẩu đột ngột, không rõ ràng thời gian của Bộ Tài chính như thế này đã làm khó cho doanh nghiệp. Nếu tăng nhưng không kiểm soát được thực tế thì đây sẽ là cơ hội “đục nước béo cò” cho nhiều đối tượng tiếp tục “nhũng nhiễu” thị trường ô tô trong nước vốn nó đã tạm bình ổn được trong thời gian qua.

Theo tính toán của các chuyên gia, khi tăng thuế nhập khẩu từ 60% lên 70% thì giá xe sẽ tăng cao lắm khoảng 6%, thế nhưng hiện đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho biết sẽ tăng giá xe lên 10%-15%. Phải chăng đây là cơ hội “bóp chẹt” người tiêu dùng?
Thực tế này đang và sẽ tiếp tục diễn ra, nếu nhà nước không có công cụ để kiểm soát và quản lý về giá thì không khác nào một lần nữa tạo cơ hội cho một số nhà kinh doanh tiếp tục “nhũng nhiễu” thị trường ô tô trong nước, người tiêu dùng tiếp tục bị thua thiệt?

Nguồn:Internet