menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường sơn xây dựng tại Trung Quốc

15:18 30/07/2008
 
 Mười năm trước, việc Chính phủ Trung Quốc (TQ) đã dần xóa bỏ chế độ cấp nhà tập thể cho công nhân và thiết lập quỹ nhà ở để bán với lãi suất thấp với những khuyến khích về thuế mua bán nhà, đã dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao và khuyến khích người dân sở hữu nhà. Từ đó đến nay Chính phủ TQ đã đầu tư hơn 10,6 tỉ USD vào bất động sản, góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh những năm qua. Những yếu tố này đã có những ảnh hưởng rất thuận lợi đối với lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng, dẫn đến mức tăng trưởng hai chữ số đối với thị trường vật liệu xây dựng nói chung và thị trường sơn xây dựng nói riêng tại TQ.
 
Cơ cấu của ngành sơn TQ
 
Trong nhiều năm ngành sơn tại TQ bị chia nhỏ, khá manh mún với hơn 8000 nhà sản xuất sơn, chủ yếu là các nhà sản xuất sơn xây dựng. Trong số 200 nhà sản xuất có sản lượng sơn xây dựng đáng kể thì chỉ có 8 công ty đạt sản lượng trên 20 nghìn tấn/năm, 14 công ty khác đạt sản lượng trên 10 nghìn tấn/năm và 217 công ty đạt sản lượng trên 5 nghìn tấn/năm.
 
Cơ cấu của ngành sơn xây dựng tại TQ đang dần thay đổi, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia tăng cường sự hiện diện của mình tại đây. Tiếp theo những đợt đầu tư của các công ty TQ vào đầu thập niên này, các công ty lớn cũng tiến hành các vụ mua bán, sáp nhập các công ty nhỏ, nhờ đó tăng đáng kể thị phần. Ví dụ, Công ty Valspar đã mua 80% cổ phần của Công ty Huarun Paints Holdings (công ty đứng thứ 3 trên thị trường sơn xây dựng TQ). Trong khi đó Công ty Akzo Nobel cũng đã mua lại bộ phận ICI Paints của Công ty ICI, nhờ đó có quyền sử dụng nhãn hiệu Dulux (nhãn hiệu đứng thứ 2 tại TQ và thứ 4 tại Ấn Độ). Qua đó, Akzo Nobel đã đồng thời tăng mạnh vị thế của mình tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi.
 
Nếu cách đây 3 năm, những công ty chiếm các vị thế hàng đầu trên thị trường sơn trang trí tại TQ là Nippon Paint, ICI, Huarun, thì nay thứ tự đó đã đổi thành Nippon Paint, Akzo Nobel, Valspar.
 
Khoảng 60% sản lượng sơn xây dựng tại TQ được tạo ra chỉ ở 3 trong số 23 khu vực của nước nước này, cụ thể là Quảng Đông (27,3%), Thượng Hải (20,6%), Bắc Kinh (11,3%). Điều này phản ánh sự phát triển mạnh hơn của nửa phía đông đất nước.
 
Nhìn chung, ngành sản xuất sơn xây dựng TQ vẫn ở trong tình trạng thiếu hụt nhiều vật liệu trong đó đáng kể nhất là titan oxit, nhựa epoxy và bột màu chất lượng cao. Công ty Dupont là công ty lớn duy nhất đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất titan đioxit quy mô lớn tại TQ. Nhà máy này dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2010. Hiện nay, mỗi năm TQ nhập khẩu tổng cộng 250 nghìn tấn titan đioxit và nhựa epoxy.
 
Thị trường sơn xây dựng
 
Thị trường xây dựng TQ chiếm hơn 50% doanh số sơn, vì vậy ảnh hưởng lớn đến thị trường sơn.
 
Do tình hình phát triển kinh tế không đều giữa các khu vực, thị trường xây dựng của TQ cũng phân bố không đều. Miền Đông TQ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trướng này, chiếm 45% tổng doanh sổ xây dựng nhà văn phòng và công trình công cộng, tiếp theo là vùng Trung Nam (18%) và vùng phía Bắc (11%). Điều này phản ánh mức độ công nghiệp hóa và thương mại hóa mạnh hơn tại ba khu vực này. Năm 2005, Bắc Kinh là thành phố có doanh số xây dựng nhà văn phòng và công trình công cộng lớn nhất, chiếm 13% tổng doanh số xây dựng nhà văn phòng và công trình công cộng cả nước, tiếp theo là Chiết Giang và Thượng Hải. Nhu cầu nhà văn phòng và công trình công cộng ở các thành phố này chủ yếu là do nhu cầu của các công ty quốc tế, các công ty nhà nước và các tổ chức lớn. Giang Tô, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Quảng Đông và An Huy là 5 tỉnh đứng đầu về doanh số xây dựng nhà thương mại, phản ánh sự phát triển của lĩnh vực du lịch và khách sạn tại các vùng này.
 
Hiện tại TQ có hơn 10 nghìn khách sạn được xếp hạng sao, phần lớn các khách sạn 5 sao và 4 sao tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông và các thành phổ tỉnh lỵ khác. Nhu cầu tu sửa, tân trang những khách sạn này khá lớn, kéo theo nhu cầu lớn và ổn định hàng năm về sơn trang trí.
 
Trong những năm qua, thị trường sơn xây dựng tại TQ thướng có những thay đổi, xáo trộn lớn. Đây là điều không phải là khác thường ở các nước có nền kinh tế mới nổi. Ví dụ, năm 2004 sơn trang trí chiếm phần lớn thị phần sơn xây dựng, nhưng đến năm 2005 chỉ còn chiếm 35% thị phần, tức là 1,3 triệu tấn trong tổng cộng 3,8 triệu tấn nhu cầu sơn. Điều này khác hẳn so với thị trường sơn xây dựng ở các nước phương Tây, tại đó sơn trang trí thường chiếm 50 - 60% thị phần. Sơn tường ngoài trời chỉ chiếm 17% thị phần sơn xây dựng TQ, nhưng dự kiến đến năm 2015 thị phần này sẽ tăng lên 60%.
 
Thế Vận hội 2008 tại Bắc Kinh và tiếp theo là Triển lãm thế giới Expo 2010 tại Thượng Hải là những yếu tố kích thích sự phát triển của thị trường xây dựng. Cùng với những hoạt động xây dựng khác trên khắp đất nước, đặc biệt là các hoạt động xây dựng nhằm khôi phục các thành phố bị tàn phá sau trận động đất lớn tháng 5/2008, thị trường xây dựng nói chung và thị trường sơn xây dựng nói riêng tại đây sẽ có động lực tăng trưởng mạnh.
 
(Theo: Tạp chí Công nghiệp hoá chất)

Nguồn:Internet