menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan tình hình kinh tế-xã hội trong nước 9 tháng 2008 và giải pháp những tháng cuối năm

16:07 29/09/2008
Kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2008 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động bất lợi cả ở trong và ngoài nước nhưng nhờ sự lãnh đạo, điều hành quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương nên kinh tế phát triển ổn định.

Tổng sản phẩm trong nước tăng 6,52% so với 9 tháng năm 2007; thu ngân sách đạt tỷ lệ cao; sản xuất nông nghiệp được mùa; lạm phát đã bắt đầu được kiềm chế; hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA đạt được kết quả vượt trội; một số vấn đề xã hội đã được giải quyết có kết quả, an sinh xã hội được bảo đảm. Kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua bước đầu đã khẳng định những giải pháp mà Chính phủ đã đề ra và chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua là phù hợp với thực tế và đang phát huy tác dụng tích cực.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn:

-Tiến độ giải ngân các công trình, dự án chậm;

-nhập siêu tuy đã giảm nhưng vẫn còn lớn;

-giá cả trên thị trường thế giới biến động khó lường;

-giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước sau một thời gian liên tục tăng đến nay tuy chững lại nhưng đã ở mức cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư.

Trong khi đó nhiệm vụ còn lại rất nặng nề. Muốn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2008 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 7% thì 3 tháng cuối năm phải tăng trên 8%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả kết luận số 25-KL/TW ngày 5/8 của Bộ Chính trị và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra; trong đó cần chú trọng một số vấn đề sau:

+Thứ nhất,  chỉ số giá tiêu dùng đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng giá cả đã ở mức cao và những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá trở lại. Do đó kiềm chế lạm phát vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Cần có cơ chế tạo quỹ hàng hoá dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời phục vụ trong những tháng áp Tết có đột biết lớn về cung-cầu hàng hoá, dịch vụ.

+Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nhằm phát triển nguồn hàng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tăng cường sản xuất sản phẩm công nghiệp có giá trị tăng thêm cao và các mặt hàng ta đang có thế mạnh; tập trung thực hiện bằng được chỉ tiêu khai thác 16 triệu tấn dầu khí; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường thế giới; giám sát chặt chẽ cơ cấu hàng xuất, nhập khẩu, tiếp tục hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, tăng cường khai thác mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu gạo và các loại nông, lâm, thủy sản chế biến.

+Thứ ba, tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ theo hướng bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và dân cư; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể dễ dàng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất; cùng với việc triển khai chủ trương của Chính phủ đình hoãn các công trình chưa thật cần thiết hoặc kém hiệu quả, tiếp tục tháo gỡ các thủ tục về đầu tư xây dựng và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để nhanh chóng giải ngân đưa các công trình trọng điểm quốc gia đi vào hoạt động.

+Thứ tư, tăng cường quản lý giá chặt chẽ, nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của công tác chống buôn lậu, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyệt đối không để các doanh nghiệp lợi dụng yếu tố khó khăn để đầu cơ, nâng giá hàng hoá và dịch vụ; thực hiện nghiêm Công văn số 5159/VPCP-KTN của Văn phòng Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh việc thu mua tiêu thụ hết lúa, gạo vụ hè thu 2008 ở đồng bằng sông Cửu Long. Có cơ chế để các doanh nghiệp mua hết lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt của nhân dân.

+Thứ năm, làm tốt công tác dự báo để đối phó kịp thời với những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể xảy ra nhằm hạn chế tối đa thiệt hại; thực hiện hiệu quả  công tác phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo triển khai để các cơ chế chính sách, kinh phí hỗ trợ của nhà nước nhanh chóng đến với người dân được thụ hưởng; đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc chăm lo công tác chính sách xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân cư.

 (TCTK)

Nguồn:Vinanet