Tại Ấn Độ, giá giảm tuần thứ 3 liên tiếp do nhu cầu yếu. Loại đồ 5% tấm giá giảm 6 USD/tấn xuống 414 – 418 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011 vào đầu tháng này. Đồng nội tệ của Ấn Độ giảm giá cũng góp phần khiến giá gạo giảm, bởi các nhà xuất khẩu có thể hạ giá bán khi quy đổi ra USD.
“Giá giảm trên toàn châu Á. Khách hàng đang chờ xem diễn biến thị trường sẽ ra sao”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh (miền Nam Ấn Độ) cho biết.
Đồng rupee đã giảm khoảng 2,3% từ đầu tháng tới nay, giúp tăng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Ấn Độ khi bán ra thị trường quốc tế.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, loại 5% tấm giá giảm xuống 404 – 410 USD/tấn, FOB Bangkok, so với 400- 419 USD/tấn cách đây một tuần.
“Thị trường yên ắng trở lại sau hợp đồng của Indonesia. Khách hàng chưa vội mua thêm vào lúc này”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết.
Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia (Bulog) hồi đầu tháng 2 cho biết đã ký hợp đồng với 6 công ty để nhập khẩu tổng cộng 281.000 tấn gạo, trong đó 141.000 tấn mua của Việt Nam, 120.000 tấn của Thái Lan và 20.000 tấn của Ấn Độ.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan, nhất là loại gạo đồ, cũng giảm vì tuần vừa qua Bangladesh hủy hợp đồng nhập khẩu.
Bộ Thương mại Thái Lan tuần trước cho biết nước này sẽ hoàn tất việc bán gạo cho Philippines – nước có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn.
Gạo vụ mới của Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu được bán trên thị trường từ tháng 4.
Trong khi đó, Bangladesh – từ năm 2017 đã nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn do lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng – đã nhập khẩu kỷ lục trên 3 triệu tấn gạo từ tháng 7/2017 đến tháng 2/2018, theo số liệu của Bộ Lương thực nước này.
Trong số đó, 2,25 triệu tấn do tư nhân nhập khẩu, chủ yếu từ Ấn Độ.
Trong thời gian tới, nhập khẩu gạo vào Bangladesh dự báo sẽ chậm lại do nhu cầu giảm dần, ông Badrul Hasan, chủ tịch cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết.
Tại Việt Nam, giá gạo cũng giảm, với loại 5% tấm còn 415 – 420 USD/tấn, so với 420 – 425 USD/tấn một tuần trước đây.
Thị trường tuần qua nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động giao dịch mới bắt đầu trở lại từ ngày 21/2. Vụ Đông Xuân bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 3.
“Không có khách hàng vào lúc này, hợp đồng ký với Indonesia đã hoàn tất. Philippines dự định mua 250.000 tấn nhưng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Một số thông tin liên quan
Xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo tiếp tục khả quan
Bất chấp những lo ngại về sự mạnh lên của đồng Baht, chính phủ Thái Lan tiếp tục lạc quan về triển vọng xuất khẩu gạo, đặc biệt là dự báo xuất khẩu gạo Hom Mali chất lượng cao sang Hong Kong bật tăng lên mức 215.000 tấn trong năm 2018.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết năm 2017, xuất khẩu gạo Hom Mali đạt 42 tỷ Baht, trong đó Mỹ chiếm 28% , Trung Quốc 15%, Hong Kong 11%, Iran 6% và Canada 5%. Bộ này kỳ vọng xuất khẩu gạo tích cực trong năm 2018.
Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong, trong năm 2017, Thái Lan đã xuất khẩu 206.153 tấn gạo thơm Hom Mali sang thị trường Hong Kong, tăng từ mức 187.092 tấn năm 2016. Hong Kong là thị trường xuất khẩu gạo Hom Mali lớn thứ 3 của Thái Lan, sau Trung Quốc và Mỹ. “Năm 2018, mặc dù giá gạo Hom Mali có thể duy trì ở mức khá cao, hơn 1.000 USD/tấn, nhu cầu tại Hong Kong vẫn cao nhờ sự ưa chuộng của người tiêu dùng. Bộ Thương mại dự báo xuất khẩu gạo Hom Mali sang thị trường Hong Kong tiếp tục tăng trong năm 2018”, ông Sontirat nhận định.
Tính đến ngày 6/2, Thái Lan đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo với giá trung bình từ 422 – 470 USD/tấn. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 sẽ ở mức 9,5 triệu tấn, giảm so với mức cao kỷ lục 11,6 triệu tấn trong năm 2017, với mức giá xuất khẩu trung bình 370 – 450 USD/tấn. Nhưng các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan gần đây bày tỏ sự lo ngại về tình trạng đồng Baht mạnh lên, cho rằng mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo có thể khó đạt được.
Trung Quốc tăng cường xả kho gạo dự trữ, tăng sản xuất ethanol trong năm 2018
Theo Ủy ban Ngũ cốc quốc gia Trung Quốc, nước này sẽ tăng cường các nỗ lực giải quyết tồn kho gạo, đồng thời sẽ thúc đẩy sản xuất – tiêu dùng ethanol trong năm 2018 nhằm giảm áp lực tồn kho ngô đang ở mức rất cao. Văn bản thông báo của Ủy ban không nêu chi tiết các biện pháp cụ thể sẽ triển khai. Trung Quốc đang cải tổ dần các biện pháp hỗ trợ sản xuất ngũ cốc, dỡ bỏ cơ chế dự trữ quốc gia và giảm giá trợ cấp đối với các cây trồng chính, như lúa mỳ và lúa gạo, sau nhiều năm sản xuất bội thu khiến chính phủ nắm giữ một lượng tồn kho khổng lồ.
Trung Quốc đã hạ giá sàn thu mua gạo năm 2018 với mức giảm lên đến 13%, theo một cơ quan hoạch định chính sách kinh tế của nước này thông báo gần đây. Đây là một trong số hàng loạt các biện pháp nhằm giải quyết tồn kho gạo khổng lồ tại nước sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới này.
Giá gạo Indica thu hoạch sớm được áp giá sàn ở mức 2.400 NDT/tấn (381 USD/tấn), giảm 200 NDT so với năm 2017. Giá sàn thu mua gạo Indica thu hoạch từ giữa tới cuối vụ cũng giảm 200 NDT/tấn xuống còn 2.520 USD/tấn và giá sàn thu mua gạo Japonica giảm 400 NDT/tấn xuống còn 2.600 NDT/tấn, theo Hội đồng Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) thông báo. Trung Quốc hạ giá sàn sau khi tính đến “chi phí sản xuất ngũ cốc, cung – cầu thị trường và chênh lệch giữa giá gạo nội địa và quốc tế, cùng sự phát triển của ngành”.
Trung Quốc hiện đang có kho dự trữ gạo 94 triệu tấn, chiếm 2/3 tổng tồn kho gạo toàn cầu và đủ để cung cấp gạo tiêu dùng cho Ấn Độ trong vòng 1 năm. Phần lớn lượng gạo này tích lũy qua nhiều năm thông qua cơ chế thu mua gạo cho nông dân. Bắc Kinh áp giá sàn hàng năm cho thu mua gạo và sẽ thu mua gạo khi giá thị trường giảm xuống dưới mức giá này. Trung Quốc cũng đang tăng cường các hoạt động xuất khẩu gạo, chủ yếu sang các thị trường châu Phi, nhằm giúp giảm áp lực tồn kho gạo cũ và cũng lên kế hoạch giảm 2,2% diện tích trồng lúa trong năm 2018.
Theo Bộ nông nghiệp Trung Quốc, nước này đang đặt mục tiêu sản xuất khoảng 600 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2018 để đảm bảo an ninh lương thực. Bộ này cũng cam kết cải thiện cơ chế giá đối với các loại ngũ cốc và các hệ thống bảo quản, dự trữ. Trong tháng 12/2017, tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết sản lượng ngũ cốc của nước này trong năm 2017 tăng 0,3% so với năm 2016, lên mức 617,9 triệu tấn. Năm 2016, nước này sản xuất 616,2 triệu tấn ngũ cốc, giảm 0,8% so với năm 2015.
Campuchia thành lập cơ quan mới để chứng nhận nguồn gốc xuất xứ gạo
Bộ Thương mại Campuchia vừa thành lập cơ quan mới nhằm kiểm tra chuỗi sản xuất – cung ứng gạo thương hiệu “made in Cambodia” để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và cung cấp bằng chứng xác thực cho người mua quốc tế. Gạo Campuchia đã liên tục thắng các giải thưởng quốc tế về chất lượng, động thái này nhằm ngăn chặn việc buôn bán các loại gạo giả mạo nguồn gốc Campuchia.
Năm 2017, xuất khẩu gạo của Campuchia tăng 17,3% lên 635.679 tấn.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet