Một năm sau khi HSBC công bố thương vụ thâu tóm tổ chức cho vay dưới chuẩn Mỹ Household vào năm 2002, ngài John Bond, Chủ tịch của ngân hàng này vào lúc đó, đã thể hiện sự không hài lòng đến một số nhà quản lý cấp cao.
“Thông điệp của ông Bond rất rõ ràng. Ông yêu cầu chúng tôi không được đụng chạm gì đến Household. Ông ấy không muốn chúng tôi áp đặt cách làm của mình vào một lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi không hiểu”, một nhà quản lý nhớ lại.
Đối với HSBC, thông điệp của ngài Bond là một lời đoạn tuyệt. Trong quá khứ, HSBC đã thực hiện chỉ một vài thương vụ M&A, nhưng mô hình vẫn như cũ: thực hiện thương vụ, đưa vào dàn quản lý mới và giải quyết những vấn đề lớn tại đó.
Tuy nhiên, ngài Bond không chỉ tăng số lượng và quy mô của các thương vụ M&A mà HSBC thực hiện. Ông cũng thay đổi cả chiến lược khi đa dạng hóa hoạt động với việc tham gia vào lĩnh vực cho vay dưới chuẩn (Household), những thị trường chưa được khai phá trước đó (Bital của Mexico) và ngành ngân hàng cá nhân Thụy Sĩ (Republic/Safra).
Tuy nhiên, mô hình mua lại các doanh nghiệp bên ngoài lĩnh vực cốt lõi của HSBC, rồi sau đó để cho họ tự thân vận động đã khiến ngân hàng này gặp rắc rối. Chỉ riêng 3 thương vụ nói trên đã khiến cho HSBC lỗ hàng chục tỉ USD do sự đổ vỡ của các khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn Mỹ, bị phạt 1,9 tỉ USD liên quan đến những cáo buộc rửa tiền cho các ông trùm ma túy Mexico và dính đến vụ bê bối trốn thuế của các khách hàng ở Thụy Sĩ.
Kết quả là Stuart Gulliver, đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc HSBC từ năm 2011, đã bị “tấn công” trên nhiều mặt trận. Giới chính trị gia và các cơ quan quản lý đã rất phiền lòng trước hàng loạt bê bối liên quan đến HSBC. Cùng lúc đó Gulliver cũng đối mặt với sức ép từ các nhà đầu tư để đảo ngược lại tình trạng biên lợi nhuận giảm và giá cổ phiếu giảm.
Lợi nhuận trước thuế của HSBC năm ngoái đạt 18,7 tỉ USD, giảm 17% so với mức 22,6 tỉ USD của năm trước đó và thấp hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Ngân hàng cũng đã cắt giảm mục tiêu ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) từ 12-15% xuống còn “hơn 10%” trong 3-5 năm tới, chủ yếu là do các quy định về an toàn vốn nghiêm ngặt hơn.
Quay trở lại năm 2006, thời điểm ngài John Bond nghỉ hưu, ông đã được ca ngợi là người đã có công đưa HBSC trở thành một tập đoàn toàn cầu, tăng số nhân viên lên tới gần 300.000, bành trướng tại 82 quốc gia và nâng giá trị tài sản lên gấp 5 lần đạt tới 1.900 tỉ USD.
Nhưng quy mô của HSBC, vốn từng được xem là thế mạnh, giờ lại là điểm yếu của ngân hàng này, đến nỗi Gulliver đã phải tuyên bố rút lui khỏi một số thị trường mới nổi lớn trong đó có Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã nói với các đồng nghiệp rằng sẽ ra sức đưa ngân hàng lớn nhất châu Âu này trở nên “tinh gọn hơn và đơn giản hơn”.
Chiến lược mới của Gulliver sẽ là tập trung “cắt gọt” bộ phận ngân hàng đầu tư và bán lẻ ở Mỹ Latinh, châu Âu và châu Mỹ, nơi chi phí đang tăng lên đã tạo sức ì lên mảng châu Á có tính sinh lời cao của Tập đoàn (gần 8 USD trong mỗi 10 USD lợi nhuận trước thuế mà HSBC kiếm được năm ngoái là đến từ châu Á). Ông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất từ phía ngân hàng trung ương, sẽ giúp HSBC gia tăng lợi nhuận.
Financial Times đã thực hiện phỏng vấn 6 trong số 20 cổ đông lớn nhất của HSBC. Kết quả cho thấy mặc dù hầu hết đều ủng hộ đường hướng chung trong chiến lược của Gulliver, nhưng nhiều người cho biết Ngân hàng sẽ tốt hơn nếu có cách tiếp cận triệt để hơn và có dòng máu mới được bơm vào Hội đồng Quản trị.
“Có những vấn đề dài hạn đã được chú ý qua những sự kiện gần đây. Tôi nghĩ Stuart Gulliver biết những vấn đề đó là gì. Ông ấy đang bán đi một số bộ phận kinh doanh và tinh gọn chúng. Nhưng điều đó sẽ mất nhiều thời gian”, Jessica Ground,một nhà điều hành tại Schroders, nhà đầu tư vào HSBC, nhận xét.
Kể từ khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc vào năm 2011, Gulliver đã rút khỏi nhiều lĩnh vực kinh doanh và quốc gia mà ông cho rằng quá rủi ro, “tống khứ” hoặc rút khỏi 74 bộ phận kinh doanh với xấp xỉ 100 tỉ USD giá trị tài sản đã điều chỉnh rủi ro. Nhưng giới đầu tư và các nhà làm chính sách vẫn cho rằng HSBC còn quá phức tạp. Hiện tại, thị trường đang ưa chuộng những tổ chức cho vay chỉ tập trung vào thị trường nội địa như Lloyds Banking Group của Anh hay Wells Fargo ở Mỹ.
“Có mức độ phức tạp rất lớn tại HSBC và chi phí thì khổng lồ, đã khiến cho Ngân hàng chịu nhiều áp lực”, Vincent Vinatier, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Axa Investment Managers, một trong 20 nhà đầu tư lớn nhất vào HSBC, nhận xét.
Thực vậy, hàng thập kỷ bành trướng ra khắp thế giới (trước thời điểm khủng hoảng tài chính nổ ra) đã khiến HSBC chịu gánh nặng chi phí quá lớn. Ngân hàng vẫn còn tuyển dụng hơn 260.000 người tại hơn 70 quốc gia thậm chí sau khi đã cắt giảm 50.000 việc làm và rút khỏi một số thị trường ngân hàng bán lẻ.
Năm nay Gulliver đã từ bỏ mục tiêu đưa chi phí xuống bằng khoảng phân nửa thu nhập ròng từ hoạt động trước khi trích lập dự phòng các khoản cho vay thua lỗ (theo dữ liệu mới nhất, mức này là trên 2/3). Ông cho biết mỗi năm các quy định và chi phí tuân thủ theo pháp luật lại cộng thêm gần 1 tỉ USD vào tổng chi phí hơn 40 tỉ USD của Ngân hàng.
Không chỉ vậy, các ngân hàng lớn đã phải đầu tư hàng tỉ USD để nâng cấp công nghệ và HSBC cũng không ngoại lệ. Họ đang chạy đua để đi trước một bước bọn tội phạm, tin tặc và khủng bố - những kẻ thâm nhập vào hệ thống tài chính với mục đích phá hoại. Không chỉ phải đối phó với những mối đe dọa này, các ngân hàng đầu tư công nghệ còn là để đáp ứng nhu cầu gia tăng của khách hàng trong việc muốn có được các dịch vụ ngân hàng di động mới nhất.
“Stuart Gulliver chắc chắn đã làm đúng khi ông cắt giảm quy mô ngân hàng để dễ quản lý hơn. Cũng giống như các định chế tài chính khác, công nghệ và chi phí là hai lĩnh vực quan trọng cần quan tâm. Các nhà đầu tư đang trông đợi ông sẽ giải quyết tốt hai thách thức này”, Nigel Wilson, Tổng Giám đốc Legal & General, một trong 10 cổ đông lớn nhất tại HSBC, nhận xét.
Tháng 6 tới Gulliver sẽ phải trình kế hoạch chiến lược chi tiết. Hy vọng bản kế hoạch này sẽ thuyết phục được cổ đông tiếp tục đặt niềm tin vào khả năng lèo lái của ông.
Nguồn:Nhịp Cầu Đầu Tư