menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 25/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:53 25/11/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 25/11/2021.
Giá Robusta sẽ tiếp tục giảm khi nỗi lo về nguồn cung ở Việt Nam được dịu đi
Hai mặt hàng cà phê kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với diễn biến trái chiều. Trong khi giá Arabia tiếp tục vững vàng trên mức đỉnh 10 năm với mức tăng 1.4% lên 245.5 cents/pound, thì giá Robusta giảm 0.7% còn 2281 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên mức 58% chiết khấu cho giá Robusta.
Ngoài những lo ngại về nguồn cung ở hai nước sản xuất Arabica chính là Brazil và Colombia, tình hình bất ổn ở Ethiopia, nước có sản lượng Arabica cao thứ 3 thế giới, cũng là yếu tố khiến cho lực mua trên Sở ICE US tiếp tục mạnh mẽ trong phiên hôm qua.
Vốn được ước tính sẽ có sản lượng cao hơn trong niên vụ 2021/22, nhưng cuộc nội chiến ở quốc gia này có thể làm cho những người nông dân và nhà sản xuất cà phê ở đây bị “vỡ nợ” các đơn hàng xuất khẩu. Hôm qua cũng là ngày giao dịch cuối cùng trong tuần này của Sở ICE US trước khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ trong phiên hôm nay.
Trên thị trường Robusta, giá tiếp tục giảm và không giữ được ở mức tâm lý 2300 USD/tấn. Nỗi lo về nguồn cung phần nào được dịu đi khi mà USD ước tính sản lượng Robusta của Việt Nam sẽ tăng lên 31 triệu bao.
Tiên Phạm
 
Giá đồng có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trước khi quay lại đà tăng và hướng tới vùng đỉnh cũ trong phiên hôm nay
Giá đồng kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên hôm qua trong sắc xanh, tiếp nối chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Lực mua lan toả trên thị trường kim loại cơ bản sau khi giá quặng sắt tăng mạnh vào đầu tuần này. Giá đồng lại một lần nữa được hỗ trợ bởi lo ngại về nguồn cung xuất phát từ các vấn đề về chính trị ở Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới. Hochschild, một doanh nghiệp khai thác ở Peru đã không thể nhận quyền khai thác đồng từ chính phủ do các chính sách hạn chế sản lượng. Thông tin này cũng mang tính “bullish” với đồng trong ngắn hạn.
Về nguồn cung, tồn kho đồng ở trên các Sở vẫn đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua cùng với việc triển vọng nhu cầu sử dụng đồng tăng lên trong xu hướng năng lượng xanh, giá đồng vẫn được hỗ trợ trong dài hạn.
Trên biểu đồ kĩ thuật, đà tăng của đồng đang rất mạnh, tuy nhiên đang gặp phải kháng cự ở vùng đỉnh cũ. Hơn nữa, giá vẫn chưa trải qua nhịp điều chỉnh nào nên trong vài phiên tới, đồng có thể sẽ test lại hỗ trợ 4.45 trước khi hướng tới vùng kháng cự 4.5.
Khánh Linh
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong phiên giao dịch ngày hôm nay
Giá dầu ngày hôm qua chỉ giao động nhẹ, hết phiên WTI giảm 0.14% xuống 78.39 USD/thùng, giá Brent gần như không đổi với mức giảm 0.07% xuống 82.25 USD/thùng.
Hiện tại, gần như có thể khẳng định các thông tin mới về việc nhóm nước tiêu thụ dầu, dẫn đầu là Mỹ mở kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) sẽ không còn tạo ra được tác động tiêu cực nào đối với thị trường dầu nữa. Trong khi đó, việc Mỹ tuyên bố sẽ không áp dụng biện pháp phong toả để kiểm soát dịch COVID-19 phần nào hạn chế tác động từ các thông tin về dịch COVID-19 gần đây.
Như vậy, bên ngoài yếu tố về OPEC+ sẽ được giải quyết trong tuần sau, chỉ còn một nhân tố nữa có thể ảnh hưởng mạnh đến giá dầu, đó là yếu tố lạm phát đến nền kinh tế nói chung và thị trường năng lượng nói riêng.
Tuy nhiên đây có thể là yếu tố phức tạp nhất để dự đoán trong thời gian tới. Các nước khác nhau có quan điểm khác nhau về tác động của lạm phát đến nền kinh tế. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và New Zealand đã tăng lãi suất để ngăn chặn nền kinh tế và vật giá tăng nóng, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc