menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 29/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

17:59 29/11/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 29/11/2021.
Giá ngô có khả năng sẽ duy trì đà tăng trong tuần này nhờ nhu cầu về ethanol
Giá ngô mở cửa phiên giao dịch đầu tuần đang tăng nhẹ nhờ ảnh hưởng từ diễn biến của lúa mì. Mặc dù là mặt hàng nông sản có mức tăng nhẹ nhất trong phiên sáng nay nhưng ngô lại khá mạnh về cơ bản vì ngô đã tăng trở lại trong phiên trước đó.
Phiên bật tăng mạnh sau khi tạo gapdown của ngô trong phiên giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ tuần trước đã cho thấy lực mua đối với ngô vẫn đang rất mạnh. Phản ứng thái quá trước tin tức về chủng Covid biến thể mới ở Nam Phi đã mang lại cơ hội mua bắt đáy cho thị trường. Phiên giao dịch này cũng cho thấy ngay cả khi toàn thị trường chịu áp lực bán mạnh thì giá ngô vẫn phục hồi lại được nên trong những phiên tới đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp giá ngô sẽ khó điều chỉnh sâu.
Bên cạnh đó, việc các quỹ lớn liên tục tăng vị thế mua ròng đối với các mặt hàng ngũ cốc thời gian qua cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng của ngô.
Khánh Linh
 
Tin tức xuất khẩu tiêu cực của Việt Nam có thể hỗ trợ cho giá Robusta trong phiên hôm nay
Sắc đỏ áp đảo trên nhóm nguyên liệu công nghiệp trong tuần vừa qua nhưng giá cà phê vẫn tiếp tục tăng trưởng vững vàng. Cả hai mặt hàng cà phê đều đang ở trên mức đỉnh cao nhất trong vòng 10 năm, với hợp đồng Arabica tháng 3/2022 tăng 4.1% lên 242.95 cents/pound, còn hợp đồng Robusta tháng 1/2022 hiện đang ở mức 2308 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở được nới rộng lên 57% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong tuần vừa qua, các quỹ đầu tư lớn đã tích cực gia tăng khối lượng vị thế mua đối với thị trường Arabica còn không có quá nhiều sự thay đổi với thị trường Robusta. Cụ thể, số lượng vị thế mua và bán trên thị trường Robusta London đều tăng nhẹ, đưa tổng khối lượng mua ròng lên 33,457 lot, tăng gần 3% so với tuần trước.
Tuy nhiên, trên Sở ICE US, các quỹ gia tăng số lượng vị thế mua lên mức cao nhất trong vòng một năm là 63,755 lot, đồng thời cũng cắt giảm số lượng vị thế bán về 8638 lot, mức thấp nhất trong vòng một năm. Số lượng vị thế bán ròng tăng lên 55,296 lot, và cũng là mức cao nhất trong một năm qua.  
Tiên Phạm
 
Giá đồng vẫn chưa tìm được động lực phục hồi trong ngắn hạn do các chính sách “Không Covid” của Trung Quốc
Phiên giảm mạnh vào thứ 6 tuần trước “thổi bay” gần như mọi nỗ lực tích lũy của các phiên trước đó và đưa giá đồng đóng cửa tuần với mức giảm 2.3% còn 4.29 USD/pound.
Lực bán mạnh chủ yếu xuất phát từ sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD và sự bùng phát của một siêu biến thể Covid-19 mới mang tên Omicron. Trong phiên thứ sáu tuần trước, chỉ số VIX vốn được coi là thước đo nỗi sợ của các nhà đầu tư đã tăng gần 60% lên mức cao nhất trong vòng nửa năm. Chỉ số Dollar Index giảm về 96.01 điểm trong phiên cuối tuần, tuy nhiên, vẫn đang neo ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Tồn kho cuối tuần trước được đăng ký trên Sở Giao dịch Thượng Hải tăng gần 7,000 tấn lên 41,862 tấn. Trái lại, tồn kho trên Sở LME giảm hơn 6,000 tấn về 83,800 tấn, chủ yếu do mức sụt giảm mạnh gần 8,000 tấn ở thị trường Châu Âu.
Bên cạnh đó, một số các cuộc biểu tình rải rác ở các khu vực sản xuất đồng tại hai nước sản xuất lớn nhất thế giới là Chile và Peru cũng là những yếu tố sẽ hỗ trợ cho giá đồng neo ở mức giá cao như hiện tại.
Tiên Phạm
 
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong hôm nay nhờ các yếu tố hỗ trợ vững chắc
Giá dầu giảm tuần thứ 5 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng do lo ngại về dịch COVID-19. Cụ thể, giá WTI giảm 10.26% xuống 68.15 USD/thùng, giá Brent giảm 7.61% xuống 72.89 USD/thùng.
Sau khi OPEC+ đã dời các cuộc họp uỷ ban sang giữa tuần, khả năng cao các bài phát biểu của các thành viên sẽ tạm dừng cho đến khi nhóm có được dữ liệu chính thức. Vì vậy, trọng tâm của thị trường trong hôm nay sẽ chuyển sang tiến triển của các đàm phán hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây, cũng như nhận xét về triển vọng kinh tế thế giới của những người đứng đầu các ngân hàng trung ương.
Bất chấp các thông báo mang tính lạc quan của Tehran như tăng công suất sản xuất dầu từ mức 2.5 triệu thùng/dầu hiện tại lên 4 triệu thùng/dầu ngày trong tháng 3 năm sau, trên thực tế khó có khả năng Iran đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, việc nâng công suất dầu đòi hỏi phải có đầu tư lớn lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ USD. Điều này bắt buộc Iran phải tìm nguồn vốn từ nước ngoài, trong khi ngày càng ít các quỹ và ngân hàng sẵn sàng bỏ tiền tài trợ cho các dự án năng lượng hoá thạch.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc