menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 30/11/2021 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

18:20 30/11/2021

Dưới đây là các tin phân tích diễn biến thị trường của một số mặt hàng nguyên liệu (Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp, Kim loại, Năng lượng) toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 30/11/2021.
Giá ngô vẫn đang duy trì đà giảm do áp lực chung từ thị trường tài chính trước thông tin về biến thể Omicron
Giá ngô mặc dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng diễn biến của mặt hàng này trong vài phiên gần đây lại đang tích cực nhất so với 2 mặt hàng ngũ cốc còn lại là đậu tương và lúa mì. Nếu như lúa mì đã sụt giảm khá mạnh sau 3 phiên vừa qua thì giá ngô vẫn đang biến động trong khoảng đi ngang và thậm chí vẫn giữ được một phần mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước.
Về nhu cầu, triển vọng tiêu thụ ngô trong sản xuất thức ăn chăn nuôi lại không quá khả quan khi mà dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở các quốc gia châu Âu. Bên cạnh đó, tâm lí bán tháo trước tình hình nghiêm trọng hơn của biến thể Covid mới đi kèm với sự sụt giảm mạnh của dầu thô đang tạo áp lực rất lớn lên giá ngô.
Khi nguồn cung không phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố khác nữa thì mối tương quan giữa giá ngô và dầu thô càng trở nên rõ ràng hơn. Và giá dầu lại phản ánh rất nhạy với các thông tin vĩ mô về triển vọng nền kinh tế. Vừa mới đây, giám đốc điều hành của Moderna dự đoán rằng các loại vắc-xin hiện có sẽ kém hiệu quả hơn đáng kể trong việc đối phó với Omicron so với các chủng Covid-19 trước đó và cảnh báo sẽ mất nhiều tháng trước khi các công ty dược phẩm có thể sản xuất thuốc tiêm chủng biến thể mới trên quy mô lớn.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể tiếp tục giảm khi triển vọng tiêu thụ bị ảnh hưởng do biến thể Omicron
Giá cà phê đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần, với hợp đồng Arabica tháng 3/2022 giảm 4.1% còn 233 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 1/2022 giảm 2% còn 2252 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở thu hẹp lại còn 56% chiết khấu cho giá Robusta, tuy nhiên đây vẫn là khoảng cách lớn, có thể khiến cho giá Arabica chịu sức ép bán mạnh hơn.
Trong phiên hôm qua, những lo ngại về biến chủng Covid-19 mới, Omicron, đã kích hoạt lực bán mạnh trên thị trường. Những lo ngại nguồn cung không còn đủ hỗ trợ cho giá, khi mà triển vọng tiêu thụ trở nên kém khả quan. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US cũng giảm mạnh về 1.599 triệu bao, và là mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, thông tin này cũng không đủ để hỗ trợ cho giá Arabica trong phiên hôm qua, trong bối cảnh việc nắm giữ quá nhiều vị thế mua đang khiến cho các quỹ chịu áp lực thanh khoản lớn. Giá Arabica biến động mạnh gần 6% và phe bán hoàn toàn vượt trội trong phiên hôm qua.
Tiên Phạm
 
Giá đồng vẫn chưa tìm được động lực bứt phá
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá đồng hồi phục nhẹ hơn 1% lên 4.34 USD/pound. Giá đồng đi lên cùng với tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư, với một hi vọng rằng các hoạt động sản xuất trên toàn cầu có thể tiếp tục bình thường dù thế giới đang phải đối mặt với siêu biến thể Covid-19 mới, mang tên Omicron.
Tuy nhiên, ngay trong đầu giờ chiều nay, giá đồng đã giảm mạnh trở lại về 4.3 USD/pound, khi mà Giám đốc điều hành của Moderna, cho biết có rất nhiều đột biến trong biến thể Omicron có khả năng kháng các loại vắc xin hiện tại, và công ty này sẽ cần nhiều thời gian hơn để phát triển một loại vắc xin mới. Trước đó, Giám đốc điều hành của Pfizer cũng cho biết sẽ cần khoảng 100 ngày để sản xuất vắc xin mới.
Hiện nay, trong bối cảnh nguồn cung đồng không quá dồi dào, nhưng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc vẫn chưa hồi phục, giá đồng sẽ khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng rất kiên định với mục tiêu “Không Covid” nên nếu có một đợt bùng phát dịch mới diễn ra trên toàn cầu, hoặc biến thể Omicron nguy hiểm hơn so với biến thể Delta trước đó, giá đồng có thể giảm mạnh.
Tiên Phạm
 
Giá dầu gặp nhiều áp lực trong ngắn hạn, khó có khả năng bật tăng lên mức cũ
Dầu thô gặp áp lực trong phiên tối, tuy nhiên vẫn đóng cửa trong sắc xanh với WTI tăng 2.64% lên 69.95 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1.98% lên 73.22 USD/thùng.
Trong thông cáo báo chí ngày hôm qua, Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định COVID-19 Omicron sẽ khiến cho viễn cảnh lạm phát trở nên phức tạp hơn. Điều này đang tạo ra rủi ro kép đối với thị trường dầu. Cho đến tuần trước, phần lớn thị trường kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất ít nhất 1 lần trong tháng 6 năm sau.
Tuy nhiên, hiện tại mọi người lại kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ thị trường. Điều này khiến cho dòng tiền chảy về các tài sản an toàn, tiêu biểu như Trái phiếu chính phủ hay đồng Yên Nhật, vốn được xem là các công cụ chống lạm phát lý tưởng. Vấn đề quan trọng hiện tại là liệu dòng tiền có thể nhanh chóng quay trở lại các thị trường rủi ro như thị trường hàng hoá hay không.
Nhìn vào số liệu của báo cáo Ủy ban giao dịch hàng hoá tương lai CFTC, các quỹ đã liên tục cắt giảm vị thế mua ròng các hợp đồng dầu và hiện đã xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm nhằm mục đích chốt lời.
Hồng Hoa

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc