Thịt ngoại ồ ạt “tấn công”
Nếu như trước đây, thịt ngoại từ châu Âu, Mỹ, Úc vào Việt Nam với số lượng còn khiêm tốn, thuế cao nên giá thành cũng rất cao thì hiện tại đã gia tăng đáng kể và trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, thuế giảm mạnh chắc chắn thịt ngoại sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam.
Bà Carlotta Colli - Tổng Lãnh sự Ý tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, các sản phẩm chế biến từ thịt năm 2015 xuất khẩu từ Ý sang Việt Nam đạt 24 triệu euro, tăng 10% so với năm 2014 và năm 2016 con số này có thể đạt cao hơn. Đã có nhiều DN Việt Nam nhập thịt chế biến từ Ý về thái nhỏ, đóng gói và rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau thịt chế biến, Ý đang nỗ lực đưa thịt bò (dạng tươi và đông lạnh) sang Việt Nam.
Theo ông Knud Buhl - đại diện Hội đồng Nông nghiệp và lương thực Đan Mạch, qua nghiên cứu thị trường, người Việt Nam rất thích ăn thịt heo (chiếm hơn 60% trong cơ cấu tiêu thụ thịt). Ở những thời điểm Việt Nam cung cấp không đủ, đặc biệt là thịt sạch và đây là cơ hội lớn cho các DN nước ngoài.
Đại diện một DN chuyên nhập khẩu thịt bò cho biết, những năm gần đây, tốc độ nhập khẩu thịt bò luôn tăng 100%. Nguồn thịt đông lạnh nhập chủ yếu từ Hoa Kỳ, Canada và bò sống nguyên con từ Úc. Đáng chú ý, từ năm ngoái đến nay, thị trường còn xuất hiện thêm nguồn thịt từ các nước EU sau khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm.
Chủ động hội nhập
Ông Đoàn Viết Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Thanh niên xung phong (Adeco) - nhìn nhận: Việc thịt ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN Việt, nhất là những DN nhỏ và cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, các DN nội phải liên kết với người nuôi, có sự hỗ trợ lẫn nhau, có như vậy ngành chăn nuôi mới không giậm chân tại chỗ.
Tại Adeco, mấy năm trở lại đây mô hình liên kết với người nông dân tại một số các tỉnh Bình Phước, Bình Dương… được triển khai rộng rãi. Theo mô hình này, Adeco cung cấp thức ăn, con giống cho người nuôi và bao tiêu sản phẩm. Với cách làm này, DN quản lý được truy xuất nguồn gốc, chất lượng còn người nông dân có đầu ra ổn định.
Ông Bạch Đăng Quang - Giám đốc HTX Tân Hiệp - chủ đầu tư Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, để tăng sức cạnh tranh cho thịt heo, theo kế hoạch, nhà máy giết mổ heo công nghiệp hiện đại theo chuẩn HACCP của HTX sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2017 với công suất 2.000 con/ngày. Nhà máy sử dụng công nghệ giết mổ của Đức với kinh phí đầu tư dây chuyền giai đoạn I từ 300 - 500 tỷ đồng nên bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm và đạt chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, HTX đang kết nối với vùng nguyên liệu để kiểm soát từ khâu chăn nuôi. Đồng thời xem xét việc trở thành vệ tinh gia công thịt heo theo yêu cầu của một tập đoàn thực phẩm của Brazil.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai:
Nhà nước muốn người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc thì DN nhập khẩu cũng phải thực hiện điều này. Thịt nhập khẩu cũng cần có thông tin về đường đi từ nơi nuôi, giết mổ, ngày giết mổ, vận chuyển… để tránh tình trạng thịt heo ngoại kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa.
Nguồn: Thanh – Dương/Báo Công Thương điện tử
Nguồn:Vinanet