Qua tổng kết, đánh giá, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần: (i) tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu liên tục qua các năm từ 2016 - 2019; (ii) chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm xuất khẩu và các dịch vụ kèm theo. Đặc biệt, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 (trong đó có 31 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD) và tăng 8,7% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 253,07 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2018 và tăng 7,9% so với năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,118 tỷ USD. Với sự hỗ trợ của hoạt động XTTM, thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng, tăng từ 72 nước, vùng lãnh thổ (2009) lên đến 180 nước, vùng lãnh thổ (2019).
Mặc dù kinh phí hỗ trợ của Nhà nước dành cho hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế, nhưng với sự đa dạng hóa hình thức và không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM nên Chương trình XTTM quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, củng cố và phát triển thị trường trong nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2019, với vai trò thường trực Ban Quản lý Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Cục XTTM đã trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt 776 đề án XTTM quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ 418 tỷ đồng. Đây là các đề án có trọng tâm, trọng điểm và bao gồm 3 nội dung: xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về XTTM đã hỗ trợ trên 30.000 lượt doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đã trực tiếp giao dịch và ký kết các hợp đồng trong thời gian tham gia các hoạt động XTTM với tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện XTTM phát triển ngoại thương đạt trên 14,8 tỷ USD; doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Năm 2020, Chương trình cấp quốc gia về XTTM được phê duyệt gồm với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 136 tỷ đồng. Ngay từ tháng 2, khi đại dịch Covid-19 mới diễn ra tại Trung Quốc, chưa ảnh hưởng đến các thị trường khác, Chương trình đã nhanh chóng triển khai các đề án XTTM tại các thị trường nước ngoài, tham gia 05 hội chợ chuyên ngành hàng đầu thế giới tại Đức, Anh, UAE. Các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm đã ký kết được 41 hợp đồng trực tiếp trị giá 25 triệu USD. Từ tháng 3, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh Việt Nam và các nước phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động XTTM truyền thống đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trực tiếp về cơ bản phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Trong bối cảnh đó, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về gián đoạn thị trường, Cục XTTM đã sáng tạo, chủ động xây dựng và thực hiện thí điểm hoạt động XTTM trên các ứng dụng trực tuyến (webinar) giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu, giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh. Cụ thể, Cục XTTM đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan XTTM nước ngoài tổ chức 20 hoạt động XTTM trực tuyến (gồm 17 hội nghị giao thương trực tuyến và 03 hội thảo trực tuyến) kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Bulgaria... Các hoạt động trực tuyến tuy chưa mang lại kết quả thiết thực như các hoạt động XTTM truyền thống (giao tiếp trực tiếp với khách hàng), nhưng đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài đồng thời tiếp xúc, làm quen ban đầu với khách hàng mới, đặt nền móng ban đầu trong xây dựng quan hệ đối tác, tạo tiền đề cho hoạt động XTTM hiệu quả hơn khi tiến tới gặp gỡ trực tiếp, đàm phán đơn hàng.
II. Kích cầu tiêu dùng nội địa
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các khó khăn trên, kích cầu tiêu dùng nội địa và hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 – Vietnam Grand Sale 2020”. Theo đó, thông qua Chương trình, các thương nhân đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Các địa phương và doanh nghiệp đã phối hợp để triển khai các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để thu hút, kích cầu và phục hồi phát triển du lịch.
Theo thống kê, đã có hơn 27.450 chương trình khuyến mại do doanh nghiệp thực hiện để hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, trong đó: có gần 1.000 chương trình khuyến mại với mức khuyến mại từ 80% đến 100%; có 1.100 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 60% đến 79% và khoảng 2.500 chương trình khuyến mại với hạn mức khuyến mại từ 50% đến 69%. Các chương trình khuyến mại giảm giá sâu tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông … thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử.
Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia đã tác động tích cực đến việc tiêu dùng nội địa trong nước. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2020 ước tính đạt 431,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 333,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với tháng trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 29,6% so với tháng trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 48,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 đạt 13,9 nghìn lượt người, tăng 58,7% so với tháng trước, chủ yếu là khách quốc tế nhập cảnh bằng đường bộ.
III. Triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam
1. Thông tin Chung về Chương trình THQG Việt Nam
Trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG). Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển THQG thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
2. Quy trình xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020
Năm 2020, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7. Việc thực hiện xét chọn được tiến hành khoa học, chặt chẽ, nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ theo quy trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngay từ đầu năm 2020, Ban Thư ký Chương trình THQG đã khẩn trương tổ chức công tác truyền thông nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận thông tin về Chương trình như: tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông số (báo điện tử, mạng xã hội…), qua tin nhắn điện thoại; tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, thực hiện các chương trình tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình và các sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế và tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực.
- Sau khi rà soát các hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt THQG năm 2020 theo các tiêu chí đăng ký được quy định tại Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, các hồ sơ đủ điều kiện và đã được chuyển tới các thành viên của Ban Chuyên gia – là các chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực để tiến hành thẩm định hồ sơ. Đồng thời, tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này được tiến hành kiểm tra thông qua các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước).
- Ban thư ký đã thành lập các đoàn công tác tiến hành thẩm định thực tế tại các doanh nghiệp và tổng hợp kết quả đánh giá, ý kiến từ phía các cơ quan chức năng cùng với kết quả giải trình của các doanh nghiệp để báo cáo và xin ý kiến các thành viên Hội đồng THQG. Hội đồng THQG bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung Ương.
Vì vậy, có thể thấy rằng quy trình xét chọn sản phẩm đạt THQG năm nay được tiến hành rất chặt chẽ và minh bạch và không chịu ý kiến chủ quan của bất cứ đơn vị nào.
Trải qua hơn 9 tháng thực hiện, ngày 29 tháng 9 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã thay mặt Hội đồng THQG ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020.
3. Những điểm mới trong kỳ xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2020
So với 6 kỳ xét chọn trước đó, kỳ xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 có những điểm mới rất đáng chú ý:
- Kỳ xét chọn THQG lần thứ 7 năm 2020 cũng là năm đầu tiên, Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương. Theo đó, việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 7 được thực hiện theo các thủ tục hành chính quy định tại hai văn bản nói trên. Thang điểm đánh giá là 1.000. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí (Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong) đạt từ 60% trở lên trên tổng điểm mỗi tiêu chí. Thang điểm đánh giá là 1.000. Tổng điểm quy định để một sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là từ 650 điểm trở lên và điểm mỗi tiêu chí (Chất lượng - Đổi mới sáng tạo - Năng lực tiên phong) đạt từ 60% trở lên trên tổng điểm mỗi tiêu chí.
- Một kết quả hết sức tích cực trong kỳ xét chọn năm nay là số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình. 124 doanh nghiệp được lựa chọn, thẩm định kỹ lưỡng từ hơn 1000 doanh nghiệp quan tâm tham gia, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, tiêu biểu đại diện cho thương hiệu quốc gia Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các thời kỳ, từ con số 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 97 doanh nghiệp năm 2018, đến năm nay số lượng đã tăng hơn 4 lần, lên tới 124 doanh nghiệp và cũng là năm có số lượng tham gia đông đảo nhất sau hơn 17 năm phát triển.
- Các sản phẩm THQG năm 2020 rất đa dạng thuộc trên 15 ngành nghề khác nhau. Bên cạnh những thương hiệu hàng đầu liên tục đạt THQG trong nhiều năm liền như Vinamilk, TH Milk, Vietnam Airlines, Vietcombank, PVGAS…, chúng ta vui mừng đón nhận những thương hiệu có tên tuổi lần đầu tham gia và trở thành doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG như: VnPay, Mobifone, Cholimex, Dược Nam Hà, Richy, Pan… Không những vậy, có một số tập đoàn và các công ty con cùng đăng ký tham gia xét chọn như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam – Gelex, Tập đoàn BRG. Những sản phẩm, dịch vụ còn mới mẻ như thanh toán điện tử, quản lý khách sạn, du lịch trải nghiệm… của các doanh nghiệp tham gia năm nay đã làm nên sự đa dạng cho Chương trình, càng chứng tỏ hơn nhận thức của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực về tầm quan trọng của thương hiệu đã được nâng cao.
- Bên cạnh đó, kỳ xét chọn năm nay cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh trên thị trường quan tâm và tham gia, tuy nhiên chưa đáp ứng một số tiêu chí đã được quy định tại Quyết định 30 và Thông tư 33 nên chưa được công nhận đạt THQG.
Với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG, Bộ Công Thương hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia và đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam như mục tiêu đã đề ra, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
4. Các hoạt động dự kiến triển khai của Bộ Công Thương trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các nội dung đã được phê duyệt theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định số 30/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung vào ba nội dung chính: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng DN đối với công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, trong đó có hoạt động tuyên truyền quảng bá, đào tạo tập huấn. Thứ hai, hỗ trợ trực tiếp để các DN đáp ứng được tiêu chí của chương trình Thương hiệu quốc gia và trở thành các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Thứ ba, tuyên truyền quảng bá cho chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tới đối tác quốc tế cũng như người tiêu dùng trong nước
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện chuỗi các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông cũng như truyền hình đến người tiêu dùng trên cả nước nhằm tôn vinh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt THQG, khích lệ và hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG khẳng định mình, tăng niềm tin trong cộng đồng và phát triển kinh doanh một cách thiết thực đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, đối với các hoạt động quảng bá tại thị trường nước ngoài, do dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, và tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, các biện pháp hỗ trợ cụ thể được áp dụng linh hoạt, phù hợp như:
- Phối hợp với các địa phương xây dựng nội dung và kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và xây dựng các sản phẩm truyền thông nhằm giúp tăng cường nhận biết các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam đến khách hàng, người tiêu dùng quốc tế thông qua các kênh thương mại điện tử, các sự kiện xúc tiến thương mại, các sự kiện ngoại giao ở nước ngoài;
- Thực hiện các hoạt động tư vấn gián tiếp và trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu đáp ứng được hệ thống tiêu chí của Chương trình;
- Phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nghiên cứu thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới cho các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh.
Bộ Công Thương tin tưởng rằng việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cùng với những hoạt động cụ thể sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho Chương trình, qua đó hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Cục Xúc tiến thương mại
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương