Cửa khẩu Trà Lĩnh là một trong 4 cửa khẩu của Việt Nam được lựa chọn để xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) trong tương lai sẽ là tuyến giao thông đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Trà Lĩnh đi các nước ASEAN…
Ưu thế xuất khẩu nông sản
Ông Lê Thành Chung - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Cao Bằng - cho biết, thời gian qua, hoạt động thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu (XNK) của cửa khẩu Trà Lĩnh có những bước phát triển vượt bậc. Tổng giá trị hàng hóa XNK qua cửa khẩu năm 2011 đạt 65 triệu USD, đến năm 2016 tăng tới 500 triệu USD. Riêng tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch XNK đã đạt hơn 1,2 triệu USD.
Cao Bằng đã quy hoạch và xây dựng Khu trung chuyển phục vụ XNK hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản tại thị trấn Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh) có diện tích 100 ha, với tổng số 553 mặt hàng khác nhau như: Gạo, hoa quả, hải sản…
Hiện TP. Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc (giáp ranh với Cao Bằng, Việt Nam) đang cung cấp 30% tổng lượng hàng nông sản của Trung Quốc, tiêu thụ đến hơn 200 thành phố như Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải... “Chính vì vậy, cửa khẩu Trà Lĩnh được xem là trọng tâm phát triển XNK. Nếu các tỉnh miền Tây của Trung Quốc đi ra biển thì con đường gần nhất là qua Long Bang - Trà Lĩnh (tiết kiệm được cả 1.000 km thay vì đi theo các con đường khác). TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) sát TP. Bách Sắc, một năm xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD hàng hóa, chủ yếu là nông sản và thực phẩm. Chỉ cần 20% lượng hàng hóa xuất khẩu này đi qua Trà Lĩnh - Cao Bằng về cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), thì kinh tế Cao Bằng sẽ có những bước chuyển đáng kể” - ông Chung nhấn mạnh.
Chia sẻ về tiềm năng từ cửa khẩu Trà Lĩnh, ông Nguyễn Hoàng Anh - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng - cho biết thêm, TP. Bách Sắc cũng đã triển khai đưa vào hoạt động chuyến tàu chuyên dùng (đông lạnh) để vận chuyển rau quả của Bách Sắc đi Bắc Kinh. Theo đánh giá, lưu lượng vận chuyển của chuyến tàu này có thể đạt 6 triệu tấn/năm, rút ngắn thời gian lưu kho hàng hóa nông sản, giải quyết áp lực nguồn cung về rau quả tươi của miền Bắc trong mùa đông. Đây cũng là bước khởi đầu cho chiến lược đẩy nhanh xây dựng Khu thí điểm mậu dịch tự do hàng nông sản Trung Quốc - ASEAN, tạo điều kiện cho việc giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Mở rộng kết nối
Theo ông Lê Thành Chung, tỉnh Cao Bằng và TP. Bách Sắc đã bàn bạc và thống nhất thực hiện tốt chính sách biên mậu của 2 quốc gia. Hai bên thỏa thuận sẽ kết nối các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm kinh doanh XNK hàng hóa để thực hiện ký kết hợp đồng kinh doanh hàng hóa nông sản, hải sản dần theo hình thức kinh doanh thương mại quốc tế.
Với mục tiêu trên, Cao Bằng đã huy động được nhiều nguồn vốn khác nhau để tập trung đầu tư cho KKT cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng số tiền đến nay khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, địa phương tập trung hoàn thành tòa nhà làm việc liên hợp, xây dựng hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 177,5 ha... Đã có 7 DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó 5 DN được giao đất xây dựng kho, bãi và 2 DN hoàn thành việc đầu tư một phần kho bãi, được Tổng cục Hải quan công nhận là địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung và kho ngoại quan để đưa vào khai thác.
Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch tỉnh Cao Bằng - cho biết, phía Trung Quốc chủ trương xây dựng TP. Bách Sắc thành trung tâm nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, hiện đang tập trung đầu tư xây dựng cửa khẩu Long Bang và Dự án Trung tâm lưu thông hàng hóa thương mại quốc tế.
Nguồn: Lan Anh/Báo công thương điện tử