Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Chiều ngày 4/1, Đoàn công tác Bộ Công Thương do ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ thị trường Trong nước làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Doanh nghiệp cam kết đáp ứng đủ nguồn hàng, nhiều chương trình khuyến mại đã được xây dựng
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đỗ Tuệ Tâm- Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro)- cho biết, ngoài 12 nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng như: hàng khô, các loại quả- hạt khô phục vụ Tết, quần áo, các mặt hàng khác… Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ, trong đó lượng hàng hóa đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Cũng theo bà Đỗ Tuệ Tâm, hàng Việt Nam chiếm 80% lượng hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị, phía Công ty cũng cam kết cung ứng đủ hàng hóa cho nhân dân. Năm 2021, sức mua và nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ bị ảnh hưởng bởi những khó khăn do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, phía công ty kỳ vọng doanh thu bán hàng Tết sẽ tương đương năm ngoái. Tùy theo ngành nghề kinh doanh, các cửa hàng, địa điểm kinh doanh, Tổng công ty sẽ mở cửa phục vụ muộn nhất đến 21h30 ngày 30 Tết. Từ mùng 4 Tết, hệ thống bán lẻ và dịch vụ của Hapro sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường.
Trong khi đó, theo giám đốc Vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của siêu thị trên địa bàn Hà Nội tăng 30% so với kế hoạch Tết 2020, hiện hàng đã về đến kho. Tập trung vào nguồn hàng trong nước, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống cũng được phía doanh nghiệp này đưa ra. Tăng số lượng mặt hàng khuyến mại, đẩy mạnh các chương trình truyền thông để người tiêu dùng biết và mua sắm, ông Phong nhận định, đây là cách tốt nhất có thể kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang có xu hướng hạn chế chi tiêu do lo ngại dịch Covid-19. Phía siêu thị Big C cũng đang xây dựng chương trình bán thịt lợn không lợi nhuận để hỗ trợ người tiêu dùng.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, cùng với việc chủ động nguồn cung trong nước, các đơn vị phân phối cũng đã chủ động trong việc nhập khẩu trái cây, thực phẩm, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn. Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG- chia sẻ, phía doanh nghiệp vừa nhập khẩu 3 container thịt lợn từ Mỹ (23 tấn/container). Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Vincommerce cũng nhập khẩu thịt lợn, thịt bò từ Mỹ và hiện hàng đã về kho của doanh nghiệp.
Các chương trình kích cầu tiêu dùng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cũng đã được các doanh nghiệp phân phối lên kế hoạch chi tiết với các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà. Cùng với các hình thức bán hàng trực tiếp tại điểm bán, các đơn vị phân phối còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng… nhằm phục vụ tốt nhất nhu mua sắm của người tiêu dùng. Công tác tổ chức bán hàng được triển khai song song với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cũng như phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đề xuất các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, ông Trần Việt Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đặc biệt lưu ý đến vấn đề kiểm soát giá cả, chất lượng, an toàn thực phẩm nhất là đối với mặt hàng đông lạnh. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam. “Chúng tôi kiểm tra ở một số siêu thị và đã có hiện tượng này. Các siêu thị cần kiểm soát nguồn hàng đưa vào, nhất là các siêu thị cho thuê các gian hàng phải kiểm soát đối tượng thuê gian hàng, tránh trường hợp các hộ trà trộn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây mất uy tín cho toàn bộ siêu thị”, ông Hùng chia sẻ.
Phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở Công Thương Hà Nội cũng như tinh thần làm việc, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Sở Công Thương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cả trong nước và nhập khẩu, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- cho hay, các doanh nghiệp phân phối, nhà bán lẻ đều có kế hoạch tăng thời gian mở cửa, chạy chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh nhận định năm nay có nhiều khó khăn do dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, sức mua hạn chế, đồng thời cũng đã tính đến các yếu tố bất thường từ dịch bệnh.
Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước phát biểu tại buổi làm việc
Ông Trần Duy Đông cũng đề nghị, Sở Công Thương Hà Nội, các sở ban ngành, các doanh nghiệp phân phối tham gia chương trình bình ổn thị trường tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, yêu cầu về kế hoạch chuẩn bị Tết của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… ở tất cả các khâu từ chất lượng đến lưu thông phân phối. Đồng thời đề nghị Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường cuối năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021 để có được kịch bản ứng phó với tất cả tình huống có thể xảy ra, đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhân dân dịp Tết.
Đối với mặt hàng thịt lợn, theo báo cáo của Sở Công Thương có thể thiếu hụt 5-7%, tuy nhiên, với sự vào cuộc của Sở, cũng như kế hoạch chuẩn bị từ rất sớm của các nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, dịp Tết này dự kiến thịt lợn sẽ không có những sự tăng giá đột biến. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông cũng đề nghị các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Đề nghị Sở Công Thương Hà Nội kiểm soát tốt việc nhập khẩu cũng như chất lượng hàng hóa nhập khẩu dịp Tết này, để hàng hóa này đảm bảo chất lượng, xuất xứ phục vụ cho người dân.
Ông Trần Duy Đông cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng nhiều tập trung trong dịp Tết, tuyệt đối không để xảy ra những vấn đề lớn về an toàn thực phẩm. “Chính phủ rất quan tâm đến mặt hàng Tết. Các Bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp… phải báo cáo hàng ngày cho Văn phòng Chính phủ về công tác chuẩn bị Tết của các địa phương, trong đó có Hà Nội. Do đó, đề nghị Hà Nội giữ liên lạc thường xuyên có báo cáo hàng ngày để Bộ tổng hợp báo cáo tình hình lên Thủ tướng Chính phủ”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Về những kiến nghị của các đơn vị tại cuộc họp liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa dịp Tết, ông Trần Duy Đông đề nghị Sở Công Thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải, Công an,… để có những hỗ trợ cho các đơn vị trong công tác vận tải hàng hóa phục vụ Tết, để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Hà Nội là một trong những địa bàn tổ chức nhiều các hội chợ Tết, hội chợ Xuân, do đó, đề nghị Sở Công Thương lưu ý công tác tổ chức sao cho thuận lợi và thành công, không để trà trộn hàng giả, hàng nhái, song song với đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 phải quan tâm hàng đầu.
Đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, ông Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo cam kết về bình ổn thị trường, thực hiện đúng giờ bán hàng, giờ mở cửa, các chương trình khuyến mại sâu rộng kích thích tiêu dùng dịp Tết. Điều chỉnh phương thức bán hàng, vận chuyển, thanh toán, kết hợp bán hàng trực tiếp với online. Đối với mặt hàng thịt lợn, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối bán lẻ cần điều tiết nguồn cung để lúc thị trường cần hàng nhất sẽ có đủ nguồn hàng, nhằm kiểm soát giá thịt lợn 1 cách tốt nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai Kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đến nay, 100% các địa phương, 30 quận huyện thị xã đã xây dựng kế hoạch, ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt 39.400 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch khai thác, tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết 2021 tăng trung bình từ 7% đến 22% so với kế hoạch Tết 2020. Dự báo, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án đảm bảo nhu yếu phẩm thiết yếu đã xây dựng, lượng hàng hóa ký kết tăng 2- 3 lần so với ngày thường để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, việc thu hút doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn còn nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại do phải kiểm soát giá cả; trong việc cung ứng hàng hóa, quy định các điểm dừng, điểm đỗ vẫn phải theo quy định chung, do đó, khó khăn trong công tác vận chuyển đưa hàng hóa từ các kho hoặc các tỉnh đến các điểm bán; việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn vướng thủ tục giấy tờ do những quy định riêng từ phía ngân hàng.
Tiếp thu ý kiến kết luận từ phía Bộ Công Thương, bà Trần Thị Phương Lan, cho hay, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành Trung ương, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu cũng như đổi mới phương thức hoạt động để có những giải pháp hữu hiệu nhất. Từ đó, giúp cho công tác phục vụ Tết của người dân trên địa bàn đảm bảo bình ổn thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra những biến động lớn, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Nguồn:congthuong.vn