Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Italia trong năm 2016 và 2017 tăng, nhưng trong 3 năm tiếp theo 2018, 2019 và 2020 giảm do hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang Italia chịu ảnh hưởng từ “thẻ vàng” IUU. Cụ thể, năm 2016 đạt 135,4 triệu USD, tăng 17,2% so với năm 2015, năm 2017 đạt 148,2 triệu USD, tăng 9,4% so với năm 2016, năm 2018 đạt 117,5 triệu USD; tới năm 2020 trị giá còn 90,9 triệu USD, giảm 13,6% so với năm 2019.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Italia đạt 16,3 nghìn tấn, trị giá 62,9 triệu USD, tăng 56,7% về lượng và tăng 77,6% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong 6 tháng qua, xuất khẩu các nhóm hàng thủy sản lớn của Việt Nam sang thị trường Italia như cá ngừ các loại; nghêu các loại; mực các loại; tôm các loại; cá tra, basa; bạch tuộc các loại; surimi đều tăng trưởng khả quan và bước đầu tận dụng tốt được Hiệp định EVFTA.
Thị phần thủy sản của Việt Nam tại Italia tăng: (Tỷ giá sử dụng trong bài: 1 EUR=1,17733 USD) Theo số liệu thống kê của Eurostat, nhập khẩu thủy sản của Italia trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 330,13 nghìn tấn với trị giá 1,84 tỷ EUR (tương đương 2,17 tỷ USD), tăng 11,1% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong những thị trường nhập khẩu thủy sản ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Italia, với lượng đạt 10,14 nghìn tấn, trị giá 40,3 triệu USD, tăng 48,6% về lượng và tăng 55,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần thủy sản tính theo lượng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu thủy sản của Italia tăng từ 2,3% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 3,1% trong 4 tháng đầu năm 2021.
Mặt hàng cá ngừ: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Italia 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 107,7% về lượng và tăng 12,9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Eurostat, nhập khẩu cá ngừ của Italia 4 tháng đầu năm 2021 đạt 60,5 nghìn tấn với trị giá 301,19 triệu EUR (tương đương 354,6 triệu USD), giảm 0,6% về lượng và giảm 4,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong các thị trường nhập khẩu cá ngừ ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp cá ngừ lớn thứ 5 cho Italia với lượng nhập khẩu đạt 3,5 nghìn tấn, trị giá 167 triệu EUR (tương đương 19,6 triệu USD), tăng 202,9% về lượng và tăng 188,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần tính theo lượng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cá ngừ của Italia tăng từ 1,9% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 5,9% trong 4 tháng đầu năm 2021. Thị phần tính theo lượng tăng từ 1,8% trong 4 tháng đầu năm 2020 lên 5,55% trong 4 tháng đầu năm 2021. So với các nguồn cung cạnh tranh như Indonesia, Mauritius, Trung Quốc và Ecuado, cá ngừ của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất trong 4 tháng đầu năm 2021. Tuy vậy, một số chủng loại cá ngừ có ghi nhận sự sụt giảm. Chẳng hạn, đối với mã HS 03048700 (Cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn hoặc cá ngừ sọc dưa pelamis), nhập khẩu của Italia từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 23,1 tấn với trị giá 116 nghìn EUR (tương đương 136 nghìn USD) giảm 37,7% về lượng và giảm 50,2% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2020. Nhưng nhập khẩu mã HS này từ thị trường cạnh tranh Mauritius tăng tới 70,9% về lượng và tăng 70,1% về trị giá. Những chủng loại cá này thuộc danh mục thuế B3 theo Hiệp định EVFTA.
Mặt hàng tôm: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm sang Italia 6 tháng đầu năm 2021 tăng 47,9% về lượng và tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 nhờ tận dụng được ưu đãi về thuế từ EVFTA. Theo số liệu của Eurostat, nhập khẩu tôm của Italia 4 tháng đầu năm 2021 đạt 19,9 nghìn tấn với trị giá 129,4 triệu EUR (tương đương 152,3 triệu USD), giảm 11,5% về lượng nhưng tăng 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong các thị trường nhập khẩu tôm ngoài EU, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 6 cho Italia, thị phần tôm tính theo lượng của Việt Nam tại Italia mới chiếm 1,2% trong tổng nhập khẩu tôm của Italia 4 tháng đầu năm 2021.
Một số mã HS tôm theo biểu thuế EVFTA:
+ Với những nhóm hàng thuộc danh mục thuế A (Thuế sẽ được xóa bỏ hoàn toàn và các hàng hóa đó không bị áp thuế quan kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực): Nhóm mã HS 03061792 (Tôm đông lạnh thuộc giống “Penaeus”, hun khói, còn nguyên vỏ hay không, bao gồm cả tôm còn vỏ, nấu chín bằng cách hấp hoặc đun sôi trong nước...) nhập khẩu của Italia từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, nhưng nhóm HS 03061799 (Tôm và tôm đông lạnh, hun khói, còn nguyên vỏ hay không, bao gồm cả tôm còn vỏ, nấu chín bằng cách hấp hoặc luộc trong nước…) tăng rất mạnh so với 4 tháng năm 2020, tuy nhiên lượng còn ở mức thấp.
+ Với những nhóm hàng thuộc danh mục thuế B7 (Thuế sẽ được xóa bỏ dần đều tương ứng trong 8 năm bắt đầu từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực): Trong đó 2 nhóm mã HS 16052110 (Tôm đóng gói sẵn, trọng lượng tịnh không vượt quá 2kg) và nhóm mã HS 16052190 (Tôm và tôm đã chế biến hoặc bảo quản, trong bao bì đóng gói ngay có khối lượng tịnh >2 kg…) có lượng và trị giá tăng trong khi đó nhóm mã HS 16052900 (Tôm và tôm đã chế biến hoặc bảo quản trong hộp kín (không bao gồm hun khói)) giảm so với 4 tháng đầu năm 2020.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định: Italia là nước thuộc Nam Âu - nơi tiêu thụ thủy sản lớn trong EU. Ngoài tỷ lệ tiêu thụ thủy sản cao, thị trường này cũng là quốc gia chế biến thủy sản lớn trong EU. Nam Âu nhập khẩu khoảng 9,3 tỷ USD/ năm các sản phẩm thủy sản từ các nước đang phát triển, chiếm 82% tổng kim ngạch nhập khẩu từ bên ngoài EU. Đây sẽ là cơ hội cho thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần hơn nữa tại thị trường Italia nói riêng và các nước thuộc Nam Âu nói chung trong thời gian tới. Đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tận dụng tốt Hiệp định EVFTA hơn nữa sang thị trường Italia trong thời gian tới với các nhóm hàng như cá ngừ, nghêu, mực, tôm, cá tra, basa, bạch tuộc, surimi...
Tác giả: An Bình
Cục Xuất nhập khẩu
Nguồn:Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương