Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2020/NĐ-CP ngày 4 tháng 9 năm 2020 quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thị phần, quảng bá gạo Việt Nam tại thị trường EU cũng như tìm kiếm, mở rộng kênh tiêu thụ.
Theo đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng và Thương vụ Việt Nam tại khu vực tiếp tục rà soát, cập nhật, theo dõi sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của thị trường EU nói chung và của từng thị trường thành viên.
Hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ kịp thời cập nhật thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu cũng như chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh tại các thị trường.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, hiệp hội quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật và thương mại của khu vực đối với mặt hàng gạo để ứng phó kịp thời; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn, triển khai thực thi Nghị định số 103/2020/NĐ-CP.
Mặt khác, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát, đàm phán ký kết hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam và làm cơ sở định hướng sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục tăng cường đa dạng hóa các phương thức, hoạt động giới thiệu, quảng bá thông tin về các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gạo có thương hiệu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy cơ hội giao thương xuất khẩu phù hợp trong bối cảnh bình thường mới của thế giới như thương mại điện tử, trực tuyến…
Tương tự, tăng cường tìm kiếm và giới thiệu các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng gạo cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tham gia các dự án liên kết công tư cũng như chuỗi giá trị gạo toàn cầu với các sản phẩm gạo thương hiệu của Việt Nam có giá trị gia tăng cao, đưa sản phẩm gạo có thương hiệu quốc gia vào các hệ thống phân phối của các nước.
Bộ Công Thương cũng lưu ý các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực thị trường, marketing quốc tế và năng lực đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.
Nguồn:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN