Giá cao su, giá sắn tăng cao đột biến
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nhờ nhu cầu tăng cao đột biến từ các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, xuất khẩu cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng cả về sản lượng và giá trị.
Trong đó, xuất khẩu cao su tăng 58,7% khối lượng và tăng tới 93,9% giá trị; xuất khẩu chè tăng 6,5% về lượng và tăng 10,4% về giá trị; xuất khẩu hạt điều tăng 18,3% về lượng và 4,9% về giá trị; xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng 15,6% về lượng và 27,5% về giá trị. Đáng chú ý, nhờ Trung Quốc tăng mua mà xuất khẩu cao su và sắn tăng đột biến, giúp giá cao su, giá sắn lập kỷ lục mới.
Theo đó, giá cao su hôm 30/5 được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (Bình Phước) niêm yết ở mức 380 đồng/độ mủ đối với cao su dạng mủ nước (giảm nhẹ so với mức 390 đồng/độ mủ cách đây vài ngày); giá thu mua mủ tạp được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đưa ra là 290 đồng/DRC.
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (Bình Phước) cũng vừa có thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su cho các hộ trồng cao su tiểu điền. Cụ thể, giá cao su hôm 30/5 được Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh thu mua ở mức 378 đồng/độ mủ, trong khi mấy ngày trước giá cao su được công ty này niêm yết ở mức 382 đồng/độ mủ.
Giá mủ chén dây khô được Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh thu mua ở mức 17.100 đồng/kg tươi; mủ chén dây vừa 15.200 đồng/kg tươi.
Trong khi đó, giá cao su hôm 30/5 vẫn được Tổng Công ty Cao su Đồng Nai duy trì ở mức 370 đồng/độ mủ; mủ nước loại 2 mua với giá 363 đồng/độ mủ.
Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc khiến giá cao su liên tục tăng, giá cao su hôm nay 30/5 được các doanh nghiệp thu mua ở mức 370 - 380 đồng/độ mủ. Ảnh: I.T
Nông sản thu 22,83 tỷ USD nhờ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng mua
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.
Điều đáng ghi nhận là, trong 5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế,…
Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 124.000 tấn, giảm 15,6%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 387 triệu USD, tăng 25,2%).
Bốn thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm thị phần lần lượt là 24,6%, 22,6%, 6,6% và 4,9%.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ NNPTNT đã kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương triển khai kế hoạch tiêu thụ nông sản tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên,..
Đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,… đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU,...
Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục chuẩn bị tổ chức các hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật bản, Hàn Quốc, Indonesia, Israel, Nauy, New Zealand, Nga, Hungary,...
Nguồn:danviet.vn