Giá các nguyên liệu thô - từ thép được sử dụng cho thân xe, bộ phận bánh răng và khung cho đến nhựa được dùng để sản xuất bộ phận hãm xung ô tô - chiếm một phần lớn chi phí sản xuất và chi phí này đang gia tăng.
Đóng góp vào sự gia tăng này còn phải kể tới chi phí lao động, kho vận (logistics), áp lực đầu tư vào công nghệ mới và lạm phát tăng. Giờ đây, thị trường ô tô có lẽ không còn dễ sinh lời như vài tháng trước đây.
Ngành ô tô được hỗ trợ một phần nhờ vào việc các hãng giảm quy mô sản xuất. Bất chấp tình trạng thiếu hụt các bộ phận, linh kiện dùng trong sản xuất ô tô như thiếu chip, song kết quả kinh doanh gần đây vẫn khả quan. Kết quả kinh doanh quý I/2021 của các hãng xe công bố mới đây cho thấy, sản lượng xe đã giảm, song đây được cho là yếu tố có lợi và giúp đẩy lợi nhuận tăng cao.
Tuy nhiên, cần lưu ý thực tế rằng khi các nhà sản xuất ô tô bắt đầu đề cập nhiều đến việc sản lượng thấp hơn, thì đây bắt đầu là một dấu hiệu đáng lo ngại. Trong báo cáo mới nhất, các nhà sản xuất ô tô lớn như Toyota Motor Corp và Ford Motor cho biết họ sẽ giảm sản lượng xe trong năm nay trong bối cảnh tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng. Lượng xe sụt giảm dự kiến sẽ vào khoảng 4 triệu xe, tương đương 5% doanh số được dự báo trong năm nay.
Đối với nhiều nhà sản xuất ô tô, việc chi phí gia tăng và sản lượng giảm có thể trở thành vấn đề lớn, bởi ngay từ đầu ngành công nghiệp ô tô đã có chi phí cố định cao. Các công ty cần phải đạt được mức doanh số nhất định để đạt ngưỡng hòa vốn. Nếu sản xuất giảm nhanh chóng, thì áp lực chi phí sẽ tăng nhanh hơn và lợi nhuận khi đó bị ảnh hưởng.
Tập đoàn tư vấn Boston ước tính rằng đối với một nhà sản xuất ô tô có doanh thu 100 tỷ USD, việc sản lượng tiêu thụ ước giảm 10% sẽ đẩy thu nhập trước lãi và thuế giảm 40%. Ước tính này giả định công ty có thể loại bỏ tất cả chi phí dễ thay đổi như nguyên liệu và nhân công. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, điều đó là không thể.
Để giải quyết tình trạng chi phí sản xuất tăng cao kéo dài, các nhà sản xuất có thể giảm các ưu đãi và chiết khấu họ đã sử dụng để thu hút khách hàng. Điều này đã được triển khai ở các thị trường ô tô lớn nhất thế giới như Mỹ và Trung Quốc, song không thể duy trì trong thời gian dài.
Các công ty có rất ít lựa chọn để bù đắp chi phí sản xuất đang gia tăng. Với giá bán đã ở mức cao, người tiêu dùng sẽ không còn thoải mái "vung tay chi tiền" nữa. Chỉ số khả năng chi trả cho phương tiện đi lại của Mỹ đã bắt đầu giảm, một thước đo cho thấy người tiêu dùng bắt đầu suy nghĩ kỹ trước khi bỏ tiền ra mua. Khảo sát cho thấy gần 40% những người có ý định mua ô tô hiện đã từ bỏ ý định này.
Nguồn:Minh Hằng / BNEWS (Theo Bloomberg)