menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng quan TT Tết Đinh Dậu 2017: Hàng hóa phong phú, giá ổn định

09:42 06/02/2017

Vinanet -  Cùng với thủ đô Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh... thị  trường Tết Đinh Dậu hàng hóa phong phú, giá cả ổn định.

Tại thị trường Hà Nội, thị trường Tết Đinh Dậu hàng hóa phong phú, ổn định. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội về kết quả hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 cho thấy: Các doanh nghiệp (DN), đơn vị trên địa bàn Thành phố đã thực hiện tốt công tác phục vụ Tết.

Trên cơ sở đánh giá cung cầu các nhóm hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương Hà Nội đã định hướng, hướng dẫn các DN xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng hàng hóa phục vụ Tết. Theo đó, các DN sản xuất, kinh doanh đến ngày 15/1/2017 đã hoàn thành kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán (tăng từ 6-10% so với Tết năm 2016).

Các điểm bán lẻ, hàng hóa đều được tăng cường thêm từ 15 - 20% so với ngày thường và thường xuyên luân chuyển bổ sung đến các điểm bán hàng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Một số hệ thống siêu thị lớn có kế hoạch bố trí nhân viên theo dõi, quản lý để đánh giá chung tình hình nhu cầu mua sắm hàng hóa đối với các mặt hàng ở các điểm bán để chỉ đạo, luân chuyển hàng hóa, đảm bảo phù hợp với thị hiếu mua sắm của nhân dân tại từng khu vực, đồng thời hạn chế được tối đa tình trạng tồn đọng hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết, như: Phối hợp với Sở Công Thương Sơn La tổ chức tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội; Phối hợp tổ chức thành công 5 Hội chợ phục vụ Tết 2017 trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Quốc Oai, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây, quy mô từ 100-150 gian hàng tiêu chuẩn/hội chợ.

Hơn nữa, trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết, công tác đảm bảo nguồn hàng, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn Hà Nội được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân Thủ đô. Nhờ đó, thị trường tiêu dùng trong những ngày Tết vừa qua tại Hà Nội khá ổn định và chuyển động đúng quỹ đạo.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tiếp tục kiểm soát tốt thị trường sau Tết, thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của Lễ hội trong mùa Lễ hội 2017.

Tổng giá trị hàng hoá các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã cung ứng cho thị trường Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với Kế hoạch.

Cùng với thủ đô Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh hàng hóa phong phú, giá cả ổn định.  Do chuẩn bị tốt nguồn hàng và sức mua tăng không cao nên chưa có năm nào giá cả thị trường hàng hóa phục vụ Tết âm lịch ổn định như năm nay. Hầu hết các mặt hàng công nghệ phẩm, rau củ quả không tăng hoặc tăng không đáng kể, trừ một số mặt hàng trái cây cúng và thịt giá tăng nhẹ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, giá các mặt hàng gạo, đường, dầu ăn, trứng, rau, củ quả, thịt lợn ổn định (một số loại rau củ từ Đà Lạt tăng nhẹ do ảnh hưởng của thiên tai tháng 12). Một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong thời gian cận Tết, tại một số chợ lẻ, giá có xu hướng tăng nhẹ như: thịt bò, gà ta, vịt tăng 10.000 - 30.000đ/kg, tùy loại và tùy chợ; thịt ba chỉ, thịt chân giò, sườn tương đối ổn định.

Đối với các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ Tết như bánh mứt, bia rượu, nước giải khát. Lượng hàng cung ứng ra thị trường dồi dào. Giá cả tương đối ổn định. Cụ thể: mứt các loại 80.000-180.000 đồng/kg tùy lọai và tùy chất lượng; bia Heineken 365.000-390.000 đồng/thùng; bia Tiger 285.000-320.000 đồng/thùng; bia 333 215.000-230.000 đồng/thùng; Pepsi 160.000-180.000 đồng/thùng Coca-cola 175.000-200.000 đồng/thùng…

Hàng hóa tại các hệ thống siêu thị phong phú, nhiều chủng loại, giá cả ổn định thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm giá rẻ hơn ngày thường như các mặt hàng bánh kẹo, dầu ăn (dầu nành Tường An loại 1 lít giảm từ 44.000 đồng/chai xuống còn 40.000 đồng/chai).

Từ ngày mùng 2 Tết, tất cả các hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố đều hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, vào những ngày khai trương đầu năm, các siêu thị đều thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi với mức giảm bình quân từ 10 - 20% cho thực phẩm tươi sống, các loại hàng hóa khác giảm từ 5 - 49%. Từ ngày 4-6 Tết, khi mua sắm tại Co.opmart khách hàng còn được lì xì lên đến 200.000 đồng cho mỗi hóa đơn 400.000 đồng…

Theo tiểu thương các chợ Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá một số thực phẩm tươi sống hiện đã trở lại bình thường. Cụ thể thịt heo đùi giá 95.000 đồng/kg, cá điêu hồng 55.000 đồng/kg, cá lóc nuôi 60.000 đồng/kg, rau sống các loại 30.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg, bông cải xanh 40.000 đồng/kg, bông cải trắng 30.000 đồng/kg…

Thông tin từ Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, giá hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường sẽ được giữ ổn định, không điều chỉnh tăng giá trong suốt 2 tháng Tết (từ ngày 1/1-28/2/2017).

Cùng với 2 thành phố lớn, tại Quảng Ninh giá cả thị trường hàng hóa sau Tết bình ổn và ngược lại tại Đồng Tháp sức mua dịp Tết Nguyên đán 2017 giảm 10% so với cùng kỳ.

Tại Quảng Ninh, sau Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thực phẩm rau, củ, quả tại các chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ mức ổn định. Theo đánh giá của người tiêu dùng, giá cả thị trường gần như không tăng, đặc biệt giá rau xanh giảm nhiều so với trong Tết, hàng hóa dồi dào, phong phú và không xảy ra tình trạng khan hiếm.

Những mặt hàng "made in Viet Nam" đang dần là những sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán

Tại các chợ Hạ Long 1, Hạ Long 2, nhiều sạp hàng đã mở cửa từ ngày mùng 2 Tết. Theo quan niệm của nhiều người thì đó là ngày đẹp để mở hàng bán lấy may cho cả một năm. Năm nay giá cả không biến động nhiều so với trước Tết, giá rau súp lơ dao động 20.000 đồng/kg, thịt lợn dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thịt bò giá 280.000 đồng/kg, cá song giá 250.000 đồng/kg, cá vược 140.000 - 170.000 đồng/kg, tôm biển giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg.... Nhu cầu sau những ngày Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ hoạt động cúng lễ trong gia đình và các lễ hội truyền thống.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, (từ ngày 26/1 (29 Tết) đến 1/2 (mùng 5 Tết)), Quảng Ninh đã đón khoảng 80 vạn lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu ước đạt 9.000 tỷ đồng. Trong đó khách du lịch lưu trú đạt khoảng 86.000 lượt khách. Thị trường khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Âu...

Ngay từ mùng 1 Tết (tức 28/1) đã có rất đông du khách thập phương đến tham quan tại đền Cửa Ông - TP. Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh

Riêng lượng khách tham quan vịnh Hạ Long ước đạt gần 7 vạn lượt, trong đó khách lưu trú trên vịnh đạt  khoảng 25.000 lượt. Chỉ tính riêng ngày mùng 1 Tết, có khoảng 300 chuyến tàu đưa trên 5.000 lượt du khách đi tham quan vịnh Hạ Long, tăng 20% so với ngày thường, chủ yếu là du khách du lịch quốc tế.

Đầu năm, lượng khách đi lễ chùa tăng mạnh, trong 7 ngày nghỉ Tết ước đạt có 63 vạn lượt khách đến tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khách tập trung tham quan đông nhất tại các điểm di tích văn hóa như: Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí); chùa Ngọa Vân, khu di tích nhà Trần (Đông Triều); đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả); chùa Cái Bầu (Vân Đồn) và chùa Long Tiên (TP. Hạ Long)…

Tuy nhiên, tại Đồng Tháp, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2017 giảm. Mặc dù có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn cung và chất lượng hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017, tuy nhiên sức mua tại Đồng Tháp vẫn giảm khoảng 10% so với cùng kỳ.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Đồng Tháp, từ ngày 28 đến 30 Tết (25-27/1/2017), các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị hàng hóa khá tốt. Tại các chợ và siêu thị, hàng hóa phục vụ Tết tăng từ 30 - 50% so với các ngày bình thường, hàng hóa đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã màu sắc, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư. Tại các chợ trung tâm xã, phường, thị trấn đã bố trí thêm trên 2.300 điểm bán hàng: bánh mứt, trái cây, hoa kiểng, ... phục vụ nhu cầu mua sắm Tết.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Đồng Tháp, trước ngày 28 Tết, tình hình tiêu thụ hàng hóa còn chậm và chỉ tăng khoảng 10 - 20%, từ ngày 28 đến 30 Tết sức mua tăng khoảng 30 - 40% so với ngày bình thường. Mặt hàng tiêu thụ mạnh là các mặt hàng thực phẩm tươi sống: thịt heo, các lóc, thịt bò, gà...; các thực phẩm chế biến: bánh kẹo, lạp xưởng, trà, rượu...; trái cây, hoa kiểng... Giá cả của nhóm hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Sa Đéc khá ổn định. Cụ thể: thịt heo hơi 32.000 đồng/kg, thịt bò 270.000 đồng/kg, gà ta 110.000 đồng/kg; dưa hấu 13.000 đồng/kg...

Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 Tết (28-30/1/2017) các chợ vẫn hoạt động mua bán, giá cả của đa số các mặt hàng vẫn ở mức bình thường như các ngày cận Tết, một vài mặt hàng tăng giá như: Bia Heneiken (mùng 1, mùng 2 Tết giá 400.000 đồng/thùng, tăng 25.000 đồng/thùng), một số loại rau cũng tăng giá bán vào ngày mùng 2 Tết do khan hiếm hàng.

Tuy nhiên, từ ngày mùng 3 Tết đến nay, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm, trái cây, rau, củ, quả đã giảm trở lại bình thường, bia Heneiken hiện ở mức 375.000 đồng/thùng, bia 333 giá 220.000 đồng/thùng, bia sài gòn xanh 290.000 đồng/thùng, bia Tiger 310.000 đồng/thùng, nước uống giải khát nhãn hiệu Pepsi dao động từ 175.000-180.000 đồng/thùng…

Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Công Thương điện tử