PV: Thưa Bộ trưởng, nước Mỹ vừa có tân Tổng thống và quan điểm tranh cử của vị tân Tổng thống này là không ủng hộ TPP. Điều này gây ra lo ngại TPP sẽ khó thành hiện thực. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta chưa thể có đánh giá ngay về việc này, bản thân Tổng thống mới của Hoa Kỳ cần có thời gian, vì thế khó có thể nói gì lúc này.
PV: Với quan điểm chống tự do hoá thương mại của ông Donald Trump, liệu xuất khẩu của chúng ta có bị ảnh hưởng không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tất nhiên việc này có thể khá phức tạp, nó không giống như dự đoán và bản thân Tổng thống mới của Hoa Kỳ khả năng sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như dòng chảy của thương mại thế giới. Tất nhiên chúng ta cũng phải chờ đợi xem, bởi từ những thông tin và quan điểm trong lúc vận động tranh cử cho đến khi thực thi thành một chính sách trong một chính thể mới thì cần có thời gian.
PV: Vậy chúng ta nên có bước chuẩn bị như thế nào để xử lý những tình huống có thể xảy ra?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta có quan điểm và chính sách rất nhất quán trong việc hội nhập sâu rộng với thế giới, và TPP cũng là một hướng đi đó. Bản thân trong việc xây dựng và tham gia TPP chúng ta cũng đi theo trào lưu dòng chảy chung của thương mại thế giới và xu thế chung hiện nay.
Còn nếu có các thay đổi hoặc bất kỳ một điều gì thì chúng ta vẫn còn có thời gian để dự đoán và xây dựng các phương án. Tuy nhiên, tất cả điều đó còn phụ thuộc vào các chính sách đối ngoại, khi được công bố chính xác thì chúng ta mới biết được.
PV: Các doanh nghiệp dệt may, thủy sản có thể bị ảnh hưởng nhất định, vậy doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chuẩn bị những gì, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quan điểm của Việt Nam trong việc phát triển thương mại với quốc tế là đều định hướng theo phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của chúng ta. Và TPP cũng chỉ là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
Bên cạnh TPP, chúng ta cũng có nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã và đang ký kết. TPP có tầm vóc rất lớn không chỉ với các thành viên tham gia mà nó còn ảnh hưởng rất mạnh đến thương mại thế giới. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vẫn còn quá sớm để đưa ra đoán định nào liên quan đến TPP thời gian tới.
Cho dù vậy, trong trường hợp nào chúng ta cũng luôn luôn sẵn sàng bởi vì quá trình hội nhập của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào TPP, mà hội nhập là yêu cầu và động lực để chúng ta phát triển trong tương lai. Do vậy quan điểm của chúng tôi là xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định.
PV: Vừa qua, chúng ta đã ký được nhiều hiệp định FTA như với EU, Hàn Quốc… Những điều này sẽ có tác động gì trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Như tôi đã nói, xu thế mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam thông qua hội nhập đặc biệt là mở cửa đã được khẳng định. Các FTA mà Việt Nam đã ký với Chilê, Hàn Quốc mang tính song phương hay là EVFTA, với liên minh thuế quan... cũng đều nằm chung trong tổng thể chiến lược hội nhập của Việt Nam.
Vì vậy, có thể nói các FTA thế hệ mới này đều tạo thành những viên gạch để tạo ra một nền tảng trong chính sách hội nhập của Việt Nam. Nếu có TPP thì Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường, ngược lại nếu không có TPP thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với cạnh tranh trong khuôn khổ hội nhập thế giới. Và như vậy tôi cho rằng, nếu chúng ta không tính đến cái quan trọng là sau hội nhập và phục vụ cho hội nhập thì chúng ta cũng phải hướng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của sản phẩm, khi đó chúng ta sẽ có điều kiện để cạnh tranh một cách bình đẳng và tranh thủ được cơ hội cạnh tranh của thị trường.
Tất nhiên, nếu TPP tiếp tục triển khai một cách thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế cũng như lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, ví dụ các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày... sẽ có những điều kiện thuận lợi. Nhưng nếu không có TPP thì chúng ta vẫn có thị trường rất đa dạng trên thế giới và những ngành này của chúng ta cũng đang có sức cạnh tranh ngày càng được khẳng định, có sự thâm nhập thị trường rất tốt.
Và vì vậy chúng ta có thể thấy rằng bên cạnh sự phức tạp của tình hình thế giới trong các vấn đề chính trị, đối ngoại thì chúng ta vẫn có niềm tin về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của chúng ta trong hội nhập.
PV: Sau khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng đã có những chỉ đạo cụ thể gì về lĩnh vực mình phụ trách?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tất nhiên, đây là việc nằm trong tổng thể các nhiệm vụ chung của các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương. Quan sát, đánh giá diễn biến tình hình thế giới cả về chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại là nhiệm vụ chung của các cơ quan quản lý nhà nước nhất là những đơn vị làm chức năng tham mưu, dự báo cho Chính phủ.
Chúng tôi đang theo dõi sát sao và sẽ sớm có những báo cáo sơ bộ để đánh giá cũng như kiến nghị Chính phủ những công việc cần được triển khai trong thời gian tới.
PV: Bộ trưởng có lo ngại về những xáo trộn trên thị trường thế giới sau khi nước Mỹ có tân Tổng thống?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Chúng ta đang bơi ra biển lớn bằng chính sức vóc của chúng ta chứ chúng ta không đi nhờ ai cả. Do vậy con thuyền của Việt Nam bắt buộc phải đương đầu với mọi sóng gió và mọi thử thách, chúng ta cũng tự phải khẳng định mình trong đại dương mênh mông đó. Nếu có một cơn sóng gió to nhưng chúng ta vượt được qua thì chúng ta sẽ tiếp tục bơi ra xa hơn nữa và vươn mạnh hơn nữa.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn: H.Y/Thời báo Tài chính online