menu search
Đóng menu
Đóng

Các nước/lãnh thổ trên thế giới cùng nỗ lực kích thích kinh tế (phần 6)

14:00 30/04/2020

Vinanet - Sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đại lục cuối năm 2019, dịch bệnh lan nhanh sang các nước khác. Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 địa chỉ bùng phát mạnh thứ 2 sau Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh tại Trung Quốc và Hàn Quốc đã thuyên giảm đáng kể, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp ở Nhật Bản.
Hàn Quốc
Ngày 3/3, Hàn Quốc tuyên bố bơm hơn 30 nghìn tỉ won (25 tỉ USD) trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế để giải quyết "tình hình nghiêm trọng" vì dịch COVID-19 và bổ sung 11,7 nghìn tỉ won (9,8 tỉ USD) phục vụ công tác ứng phó dịch bệnh.
Ngày 16/3, Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) hạ lãi suất cơ bản 50 điểm xuống 0,75% và đang tiếp tục xem xét về việc điều chỉnh lãi suất.
Ngày 27/3, BoK quyết định cung cấp thanh khoản không giới hạn cho các công ty tài chính
nhằm giúp duy trì dòng thanh khoản trong các chương trình ổn định tài chính. Theo đó, từ nay tới cuối tháng Sáu, định kỳ một tuần một lần, BoK sẽ đáp ứng toàn bộ nhu cầu thanh khoản của thị trường thông qua "thỏa thuận mua lại" không hạn mức. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này hỗ trợ thanh khoản theo phương thức cung cấp toàn bộ theo nhu cầu thị trường như trên. Mức lãi suất trần áp dụng là 0,85%/năm, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với lãi suất cơ bản hiện hành là 0,75%/năm. Lãi suất cụ thể sẽ được công bố riêng trong mỗi đợt đấu thầu. Từ tháng 7/2020 trở đi, BoK sẽ xem xét tiếp về kết quả đấu thầu và tình hình thị trường để quyết định có kéo dài biện pháp này hay không.
BoK cũng quyết định bổ sung 11 công ty chứng khoán vào danh sách đơn vị tham gia "nghiệp vụ thị trường mở". Tho đó, ngân hàng trung ương mua vào hoặc bán ra chứng khoán theo giá thị trường để điều tiết cung ứng tiền tệ trên thị trường tài chính. BoK sẽ áp dụng thêm tám loại trái phiếu đặc biệt của các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc vào đối tượng của thỏa thuận mua lại.
Ngày 29/3, BoK thông báo sẽ cung cấp khoản vay 12 tỷ USD cho các ngân hàng trong nước trong tuần 30/3- 4/4 nhằm giảm bớt khủng hoảng tính thanh khoản của đồng USD do sự lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Số tiền này là một phần của Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 60 tỷ USD đã được ký kết với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng Ba. Động thái này dự kiến sẽ giúp ổn định thị trường ngoại hối của Hàn Quốc từng bị biến động mạnh do thiếu hụt đồng USD gần đây.
Ngày 7/4, BoK thông báo sẽ cung cấp 4,41 tỷ USD cho các ngân hàng trong nước trong tuần 6-12/4 theo đợt hỗ trợ USD thứ hai bằng cách sử dụng thoả thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Fed)được thiết kế nhằm hỗ trợ ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản ngoại hối. BoK đã tổ chức một cuộc đấu giá trực tuyến để cung cấp tới 8,5 tỷ USD cho các khoản vay 84 ngày và 7 ngày.
Nhật Bản
Trước những tác động của dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ ngày 6/4 tháng tại 7 vùng, bao gồm thủ đô Tokyo, thủ phủ công nghiệp Osaka, Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến tại một số thành phố lớn.
Ngày 16/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tăng gấp đôi mục tiêu mua ròng của các quỹ ETF lên 12 tỷ yên trong khi vẫn giữ lãi suất chủ chốt ổn định trong cuộc họp ngày 16/3. Ngân hàng trung ương nước này cũng giới thiệu một chương trình cho vay mới để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tổn thất bởi dịch bệnh. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn khi cần thiết, với việc mua thêm trái phiếu cũng như cắt giảm lãi suất.
Ngày 19/3, BoJ thông báo dự định mua 1.000 tỷ JPY (9,18 tỷ USD) trái phiếu chính phủ trong một động thái ngoài kế hoạch khi lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng khi giới đầu tư tăng cường bán ra để thu hồi vốn do những quan ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 5/4, Thủ tướng Shinzo Abe công bố gói kích thích kinh tế khổng lồ với tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ Yên (988 tỷ USD), tương đương 20% tổng GDP của Nhật Bản, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này vượt qua các khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Các gói kích thích kinh tế sẽ bao gồm 6.000 tỷ Yên (54 tỷ USD) phát cho các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp nhỏ bị giảm thu nhập vì dịch bệnh; 26.000 tỷ Yên (238 tỷ USD) chi cho hỗ trợ giảm thuế và các phúc lợi xã hội. Gói kích thích lần này cũng bao gồm các khoản vay với lãi suất 0% cho các định chế tài chính tư nhân.
Ngày 9/4, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cho biết, cơ quan này có thể cân nhắc biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung nếu cần thiết. Ngoài ra, ông Kuroda cũng cho biết hệ thống tài chính của Nhật Bản hiện vẫn duy trì ổn định, song các doanh nghiệp nước này hiện hết sức khó khăn về vấn đề vốn. BoJ sẽ tích cực cung cấp tài chính cho các cơ quan tín dụng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên cơ sở chính sách cung cấp vốn mới áp dụng từ tháng 3/2020 và chính sách kinh tế khẩn cấp được Chính phủ Nhật Bản thông qua tuần trước.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Nhật Bản, với các chỉ số của các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng du lịch đều sụt giảm. Dữ liệu mới công bố ngày 6/4 cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 3/2020 đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống còn 30,9 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đang được kiểm soát và chưa có dấu hiệu tăng. Trong tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản là 2,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm khả dụng tại nước này hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Số liệu cũng cho thấy ngày càng nhiều người Nhật đăng ký gói vay vốn cứu trợ từ Chính phủ do bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương.
Gần đây, mức độ lây nhiễm COVID-19 ở Nhật có dấu hiệu tăng nhanh, buộc Chính phủ Nhật Bản phải có biện pháp mạnh tay để ngăn chặn dịch tránh rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế cũng như giảm thiểu các rủi ro đến nền kinh tế vốn rất yếu ớt.
HongKong (Trung Quốc)
Ngày 4/3, Ngân hàng Trung tâm Hong Kong (HKMA) đã hạ 50 điểm lãi suất cơ bản trong hoạt động chiết khấu qua đêm xuống 1,5% để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch virus corona.
Ngày 16/3, Cục phát triển du lịch Hong Kong tuyên bố sẽ chi 400 triệu HKD (khoảng 500.000 USD) để hỗ trợ các ngành, nghề du lịch, bán lẻ và hội chợ tại Hong Kong. Bên cạnh đó, Cục phát triển du lịch còn trực tiếp hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ triển khai hoạt động khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng; tăng thêm hỗ trợ cho quỹ trùng tu và quảng bá các địa điểm du lịch, đồng thời tăng mức chia sẻ hỗ trợ, trợ cấp cho các ngành bán lẻ, ăn uống và miễn một số chi phí tham gia các hoạt động.
Thống kê cho thấy lượng du khách đến Đặc khu hành chính Hong Kong trong tháng 2 đã giảm tới hơn 96% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 199.000 lượt người. Giới chức Hong Kong cho biết lượng du khách đến Hong kong hiện nay chỉ bằng mức 1 ngày trong giai đoạn cao điểm của năm 2019. Sau khi Chính quyền Đặc khu thực hiện đóng các cửa khẩu hôm 8/2, số lượng du khách đến Hong Kong giảm xuống còn khoảng 3.300 lượt người mỗi ngày, trong đó khoảng 80% không phải là du khách Trung Quốc đại lục.

Nguồn:VITIC tổng hợp