menu search
Đóng menu
Đóng

Bàn giải pháp lấy lại uy tín cho nông sản xuất khẩu

08:40 04/04/2017

Vinanet - Diễn đàn chính sách thương mại “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” vừa diễn ra tại TPHCM.

Nắm rõ các yêu cầu của nước nhập khẩu và đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất nông sản để kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa là giải pháp cho các vấn đề của xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn chính sách thương mại “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”.

Để kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, Nhà nước và doanh nghiệp cần đồng hành cùng nông dân trong quá trình canh tác.

Diễn đàn được tổ chức tại TP.HCM ngày 30/3 do Ban quản lý Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” tổ chức. Chương trình là Dự án ODA do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ được thực hiện trong 4 năm (2013-2017). Cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành.

Thực phẩm Việt mất điểm

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chỉ ra một thực tế là cứ hễ xuất khẩu tốt thì vấn đề an toàn thực phẩm lại bùng phát. Điều này cho thấy việc kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất chưa được làm tốt. Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ nằm ở người sản xuất, người kinh doanh mà là vấn đề hệ thống, sự điều hành chưa được nhuần nhuyễn giữa các bộ ngành.

Ông Lang cho hay, thực tế trên đã tạo ra một ấn tượng rất xấu về các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. “Hiện người nước ngoài đánh giá các sản phẩm của Việt Nam là hàng giá rẻ, có chất lượng chưa thực sự tốt. Từ đó làm giảm giá trị của hàng Việt Nam. Mặc dù vẫn có không ít doanh nghiệp làm rất tốt, nhưng vẫn bị mặt bằng chung kéo xuống” – ông Lang chia sẻ.

Bà Miriam Garcia Ferrer, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng cho biết, hiện hầu hết cà phê của Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu dưới dạng thô, sau đó trộn lẫn với sản phẩm của nhiều nước khác để cho ra sản phẩm sau cùng. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng châu Âu biết đó là cà phê Việt Nam thì họ sẽ không mua mà chuyển sang mua cà phê của Columbia dù có giá cao hơn.

Đồng hành cùng nông dân làm nông sản đạt chuẩn

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và công nghệ cho rằng hiện các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vừa phải đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, đối tác nhập khẩu, lại vừa phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam. Điều này khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí cho việc thực hiện các thủ tục liên quan để đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam và các quy định liên quan của Việt Nam. Do đó, ông Linh đặt vấn đề cho rằng thực phẩm xuất khẩu chỉ cần đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu để giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, có rất nhiều áp lực cần phải vượt qua, bao gồm việc làm sao để sản phẩm đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế sản phẩm sai lỗi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của nước nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí cho việc mời các tổ chức chứng nhận nước ngoài vào Việt Nam để đánh giá chứng nhận cho sản phẩm của mình.

Đặc biệt, ông Linh cho hay, ngoài các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn của một số hiệp hội, ngành hàng liên quan. Trong đó, phần lớn các tiêu chuẩn được đưa ra bởi các nhà bán lẻ ở các nước nhập khẩu. Do vậy, doanh nghiệp nếu muốn đưa hàng vào các siêu thị thì phải đạt các chứng nhận riêng của các đơn vị này. Điển hình như nhiều nhà bán lẻ tại Anh, Bắc Mỹ và châu Âu chỉ xem xét việc ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp có chứng nhận BRC. Hay như tiêu chuẩn FLO cũng được áp dụng đối với cà phê tại hơn 60 quốc gia, phổ biến là Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Đức…

Do đó, việc nắm rõ yêu cầu của nước nhập khẩu, đối tác nhập khẩu là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Ông Linh cho biết,, văn phòng TBT Việt Nam là cơ quan đầu mối về các thông tin về hàng rào kỹ thuật của các nước. Doanh nghiệp có thể liên hệ để nắm rõ yêu cầu của nước nhập khẩu về sản phẩm hàng hóa của mình.

Đứng ở góc độ DN, ông Thế Lãm, Tổng giám đốc Công ty TNHH tư vấn XNK và XTTM Toàn cầu cho rằng, vấn đề hiện nay nằm ở việc nông dân không nắm rõ các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi sản lượng là mối quan tâm lớn nhất của nông dân để đạt được lợi nhuận cao. Việc kích thích cây cho ra trái liên tục khiến cây trồng suy yếu, dẫn tới sâu bệnh. Sau đó nông dân lại dùng thuốc trừ sâu để “cứu”. Trong khi đó, người bán thuốc bảo vệ thực vật cũng chỉ quan tâm tới lợi nhuận.

Vậy để giải quyết vấn đề này cần bắt đầu từ đâu? Ông Lãm cho rằng, Nhà nước cần đào tạo kiến thức cho người bán thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao ý thức. Bên cạnh đó, lập các phòng hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nông dân có thể tìm tới khi cần hỗ trợ, tư vấn.

“Nhiều loại thuốc dùng được cho cây lúa nhưng lại không dùng được trên cây thanh long. Do đó, nông dân rất cần được hướng dẫn cụ thể để tránh sai sót” – ông Lãm nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lãm cũng lưu ý các doanh nghiệp cần đồng hành sát sao hơn nữa với nông dân thay vì chỉ lo đi quảng bá sản phẩm. Từ đó mới có thể kiểm soát tốt quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ông Lãm khẳng định: “Hiện nông sản Việt Nam đang bị mất điểm rất lớn, nhưng nếu quyết tâm làm thật tốt, chắc chắn sẽ lấy lại được uy tín và việc chinh phục lại các thị trường chỉ còn là vấn đề thời gian”. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện phải chịu áp lực rất lớn về việc kết quả thử nghiệm, chứng nhận không chính xác, có độ sai sót cao. Không ít trường hợp sản phẩm có kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu, nhưng khi đối tác thử nghiệm thì lại không đạt, dẫn tới việc hàng hóa bị trả về, gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín kinh doanh. Do đó, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, Nhà nước cần thúc đẩy hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sản phẩm hàng hóa như thử nghiệm, chứng nhận với mục đích để các kết quả thử nghiệm, chứng nhận nông lâm sản do các tổ chức tại Việt Nam thực hiện được thừa nhận tại các nước nhập khẩu.

Nguồn: baohaiquan.vn