menu search
Đóng menu
Đóng

Miền Trung - điểm nóng đầu tư thứ ba

10:51 03/04/2017

Vinanet - Nhờ có những ưu đãi đầu tư hấp dẫn, miền Trung đã trở thành điểm thu hút đầu tư thứ ba cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, chỉ đứng sau 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn KPMG Việt Nam nhận định về tiềm năng thu hút đầu tư của vùng, đồng thời chia sẻ về các hoạt động của KPMG với đối tác để đẩy mạnh đầu tư tại đây.
Bằng kinh nghiệm của một nhà quan sát các động thái đầu tư, ông cho rằng, điều gì tạo nên sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào các khu vực miền Trung Việt Nam?
Nằm ở vị trí chiến lược, các tỉnh miền Trung đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa miền Bắc và miền Nam. Nơi đây cũng là cửa ngõ quan trọng ra Thái Bình Dương, hỗ trợ hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Lào, miền Bắc Thái Lan, Myanmar và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong, vùng kinh tế bên bờ sông Hằng (Ấn Độ).
Không chỉ có lợi thế địa lý, các nhà đầu tư còn đến đây để tận dụng những ưu thế về lực lượng lao động trong khu vực. Ngoài chi phí lao động thấp, nơi đây còn là vùng có dân số trẻ, năng động, chăm chỉ, có nền tảng giáo dục tốt và có thể dễ dàng đào tạo để nắm vững công nghệ và dây chuyền mới.
Cũng không thể không kể đến các khu công nghiệp và khu kinh tế hiện hữu tại các vị trí chiến lược trên khắp miền Trung. Các doanh nghiệp đầu tư vào khu này không chỉ được hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng hiện đại, các dịch vụ tiện ích không ngừng được cải tiến, mà còn được hưởng các chính sách và ưu đãi của Chính phủ, như ưu đãi về thuế, hải quan...
Theo ông, những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại miền Trung đã đủ hấp dẫn chưa hay cần các hoạt động, chương trình gì khác để khuyến khích các nhà đầu tư nhanh chóng đưa ra quyết định khi xem xét đầu tư vào khu vực miền Trung?
Nhìn chung, các chương trình khuyến khích đầu tư hiện nay rất hấp dẫn và chắc chắn sẽ là một điểm quan trọng thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố khác cũng rất quan trọng ảnh hưởng tới quyết định của các nhà đầu tư, bao gồm hiệu quả của quá trình cải tiến quy trình đầu tư và bộ máy hành chính.
Hạ tầng giao thông phát triển tốt cũng là chìa khóa quan trọng để thu hút nhà đầu tư. Mặc dù đã có các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, mạng lưới đường bộ và đường sắt trải đều trong khu vực, nhưng các hạng mục này vẫn còn một khoảng cách nhất định so với tiêu chuẩn quốc tế. Cải thiện hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối và phân luồng lưu thông hàng hóa, hành khách sẽ là một trong những ưu tiên trọng tâm để khu vực này có thể nâng tầm vị thế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà chức trách tại miền Trung cũng cần giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức bằng cách tăng cường cơ chế hợp tác về thủ tục hành chính đối với các dự án chiến lược có điều kiện của doanh nghiệp. Ngoài ra, dù có nhiều ưu điểm, nhưng đội ngũ lao động địa phương vẫn còn một khoảng cách so với tiêu chí ngày một gắt gao của các nhà đầu tư quốc tế. Việc này đặt ra yêu cầu cần phải cải cách và tiến hành các giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng lao động tại địa phương.
Hiện nay, các ngành công nghiệp nặng như lọc dầu, hóa dầu và năng lượng và các ngành công nghiệp không khói như du lịch, nghỉ dưỡng đang phát triển nhanh chóng ở các tỉnh miền Trung. Theo ông, khu vực này cần phải làm gì để gỡ bỏ các xung đột về lợi ích và trách nhiệm giữa các các ngành và lĩnh vực?
Thực tế sẽ luôn tồn tại một số vấn đề không tương thích giữa một số ngành công nghiệp đặc trưng, như giữa các nhà máy thủy điện với nền lâm nghiệp, hoặc giữa ngành khai thác dầu khí và ngư nghiệp. Trong năm 2016, Chính phủ Việt Nam mở rộng đối thoại cùng các doanh nghiệp trong nỗ lực nhằm giải quyết sự khác biệt giữa các ngành công nghiệp khác nhau.
Tuy nhiên, luật pháp và chính sách thường giới hạn ở việc cung cấp một khung nền pháp lý. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra lại cần nhiều hơn một khuôn khổ mặc định dành cho các doanh nghiệp trong giải quyết các xung đột trong kinh doanh. Khi xảy ra mâu thuẫn, các bên liên quan phải hợp tác và đàm phán nhằm sửa đổi một số điều khoản nhất định. Các cam kết chung này sẽ giúp các bên tiến tới việc chấp nhận các giải pháp có lợi cho đôi bên.
Hiện đã có một số dự án quy mô lớn ở các tỉnh miền Trung. Liệu KPMG có chiến lược mở rộng mạng lưới để phục vụ các nhà đầu tư trong khu vực này?
Tiềm năng của khu vực miền Trung là khá rõ ràng và nhiều nhà đầu tư quốc tế đã đổ tiền vào miền Trung. Điều này cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp như KPMG mở rộng hoạt động để phục vụ khách hàng tại khu vực này. Cuối năm 2015, chúng tôi đã mở văn phòng đại diện tại Đà Nẵng nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực miền Trung dễ dàng tiếp cận dịch vụ kiểm toán, thuế và tư vấn theo tiêu chuẩn quốc tế mà chúng tôi cung cấp.
Bên cạnh đó, “Going for Gold” là chủ đề của các chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy đầu tư vào miền Trung của KPMG với các đối tác chiến lược trong khu vực. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ việc chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và kiến thức của các bên trong việc cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tối ưu cho các nhà đầu tư, cũng như hoạt động quảng bá đầu tư tại khu vực.
Nguồn: Hoàng Anh/Đầu tư chứng khoán