menu search
Đóng menu
Đóng

Nghệ An: Nỗ lực nâng tầm giá trị thủy hải sản

09:34 05/05/2017

Vinanet - Nghề biển là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ngư dân ở Nghệ An. Thế nhưng những sản phẩm thủy sản địa phương chỉ mới đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất sang được một số thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, Lào, Malaysia còn các thị trường như EU, Mỹ, Nhật vẫn đang ngoài tầm với…
Lâu nay ngư dân Nghệ An vẫn đánh bắt tại các ngư trường trọng điểm trên vịnh Bắc bộ như Bạch Long Vỹ, Cô Tô, Hòn Mê, Hòn Mát… Tuy khai thác được nhiều loại hải sản có giá trị cao, nhưng trên thực tế, giá trị sản xuất thủy, hải sản bình quân hàng năm của Nghệ An chỉ đạt từ 7,5- 8% giá trị kinh tế, đạt trên dưới 15 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm xuất khẩu như tôm, cá, mực… của Nghệ An hiện mới chủ yếu xuất qua những thị trường được xem như là “dễ tính” như Trung Quốc, Lào, Malaysia.
Lý do là bởi việc bảo quản sản phẩm còn chưa đúng quy cách làm giảm chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh an phẩm (ATVSTP) cho thủy hải sản, trong khi đó, các thị trường như EU, Mỹ, Nhật có yêu cầu và tiêu chuẩn rất khắt khe. Doanh nghiệp kinh doanh thủy, hải sản trên địa bàn Nghệ An hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất và chế biến, bảo quản còn yếu. Đi cùng đó là sự hạn chế trong khâu tiếp thị, mở rộng thị trường.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An - phân tích cụ thể: “Điều dễ nhận thấy là chủng loại sản phẩm xuất khẩu chính ngạch còn ít và đơn điệu, chưa thật sự tập trung khai thác, sản xuất theo một chuỗi giá trị khép kín với những giải pháp đồng bộ từ khâu khai thác đến chế biến, xuất khẩu. Thủy sản xuất khẩu chính ngạch của tỉnh chủ yếu vẫn là bột cá dùng cho chăn nuôi gia súc với giá trị không cao…”. Cũng do chưa xây dựng được chuỗi sản xuất giá trị khép kín, nên dù có đơn hàng, việc thu gom để có lượng hàng đáp ứng nhu cầu của bạn hàng cũng rất khó khăn. Hầu như các doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược xuất khẩu cụ thể, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có thể liên kết, định hướng khai thác và kinh doanh một cách dài hơi và chủ động.
Một số doanh nghiệp tư nhân như Phương Mai, Kim Liên (TX. Hoàng Mai) có hoạt động chế biến sản phẩm xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng chỉ là sơ chế nên tính cạnh tranh thấp. Hay Công ty CP thủy sản Vạn Phần (Diễn Châu) có xuất khẩu được một lượng nước mắm sang Lào, Malaysia... còn lại sản phẩm chế biến chủ yếu hiện đang phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất bán làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến ngoại tỉnh.
Nghệ An có 2 đơn vị được cấp code để xuất khẩu, nhưng hiện chỉ còn Công ty CP XNK thủy sản Nghệ An II đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính như EU, Nga, Mỹ, Nhật Bản… và các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn về nguồn vốn, hàng năm giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ đạt trên 5 triệu USD, sản phẩm chế biến đều bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu phía Nam chứ chưa xuất trực tiếp.

Thời gian tới, nhằm đưa kinh tế biển của địa phương phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp về đầu tư chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề để khai thác đạt hiệu quả cao. Tỉnh Nghệ An chủ trương tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong việc bảo quản, chế biến nhằm nâng tầm giá trị thủy hải sản khai thác được đồng thời giảm tổn thất và nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung thu hút các nhà đầu tư chế biến quy mô lớn, giảm chế biến thô và sơ chế. Đặc biệt, chú trọng phát triển chế biến, tiêu thụ thủy hải sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác và chế biến, thương mại, sản phẩm. Đến năm 2020 phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD đi cùng nâng cao giá trị sản phẩm nội địa.

Nguồn: Hoàng Trinh/Báo công thương điện tử