menu search
Đóng menu
Đóng

Thương hiệu quốc gia & văn hóa doanh nghiệp

09:27 14/11/2016

Năm 2016, có tới 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Đó chính là niềm vui, sự kiêu hãnh của những tên tuổi lớn quen thuộc với Thương hiệu quốc gia như: Thống Nhất, Hòa Phát, Thaco Trường Hải, Biti’s, Nhà Bè, Việt Tiến, Minh Long, SJC, PNJ, DOJI, Traphaco, Nhựa Bình Minh, Vinamilk, Vinacafe, TH Milk, Tân Hiệp Phát, Vietcombank, BIDV, Vietinbank…

 

 

Nhìn lại con đường mà chương trình Thương hiệu quốc gia đã đi qua, năm 2008 (năm đầu tiên bình chọn) chỉ có 30 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia; năm 2010 có 43 doanh nghiệp; năm 2012 tăng lên 54 doanh nghiệp; năm 2014 lên 63 doanh nghiệp và năm 2016 đạt mốc 88 doanh nghiệp, gấp gần 3 lần năm 2008.

Sản phẩm mang Thương hiệu quốc gia ngày càng nhiều chính là uy tín ngày càng lớn của hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, chất lượng cao, sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, là hình ảnh Việt Nam ngày càng “đẹp” và “mạnh” hơn trên con đường hội nhập. Không thể không vui và kiêu hãnh!

Và, “một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia” - sự khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức vào tối 7/11/2016 khiến cộng đồng doanh nghiệp cảm phục và kỳ vọng.

Tuy nhiên, trong xã hội, trong cộng đồng doanh nghiệp, vẫn tồn tại một câu hỏi: Điều gì tạo nên một Thương hiệu quốc gia? Dĩ nhiên, câu trả lời luôn là hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường, cạnh tranh tốt, tiêu thụ mạnh, đủ sức làm “đại sứ” cho một ngành hàng, lĩnh vực nào đó… Đúng nhưng có lẽ chưa đủ, bởi có một yếu tố dường như nhiều doanh nghiệp chưa đặt đủ “tâm” và “trí” vào, đó là: Văn hóa doanh nghiệp.

Cũng tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt, bền vững của doanh nghiệp. Nhìn ra thế giới, không một cường quốc kinh tế nào không có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp đặc sắc, vững chắc, có những thương hiệu là đại diện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, sự tiên phong, trách nhiệm xã hội…

Lại một vấn đề nữa đặt ra: Nét đặc trưng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Thực tiễn là câu trả lời xác đáng: Năm nào cũng có Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500), Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500)… Thế nhưng, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia hằng năm chưa vượt nổi con số 100, vì sao vậy?

Phải chăng một trong những nguyên nhân chính là văn hóa doanh nghiệp - linh hồn, giá trị cốt lõi của thương hiệu - chưa được tạo dựng vững chắc, mang nét đặc trưng riêng?

 

Nguồn: baocongthuong.com.vn