menu search
Đóng menu
Đóng

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam

13:10 24/09/2020

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành thủy sản đã duy trì đà tăng trưởng nhanh, hiệu quả sản xuất ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính.
Cụ thể, tốc độ tăng bình quân diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 0,9%/năm (trong đó diện tích nuôi mặn lợ 1,2%/năm, diện tích nuôi nước ngọt 0,6%/năm); tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5,61%/năm, tốc độ tăng sản lượng 5,65%/năm (trong đó sản lượng cá tra tăng 7,2%/năm, tôm nước lợ tăng 8,71%/năm). Năm 2017 và 2018 đạt tốc độ tăng sản lượng cao nhất (7,5% và 6,1% so với năm trước).

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản, sản xuất thủy sản duy trì đà tăng trưởng khá nhanh, hiệu quả sản xuất ngày càng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành thủy sản, sản xuất thủy sản duy trì đà tăng trưởng khá nhanh, hiệu quả sản xuất ngày càng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 6,9%/năm; trong đó tôm nước lợ tăng bình quân 3,4% năm, cá tra 7,0%/năm, cá ngừ 13,1%/năm, cá biển khác 5,2%/năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 8,15 triệu tấn (vượt 17,1% so với chỉ tiêu được giao), trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn (đạt 98,4%), sản lượng khai thác 3,77 triệu tấn (vượt 50,8%); kim ngạch xuất khẩu đạt 8,63 tỷ USD (đạt 78,5%).
Hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng
Năm 2020, dự kiến ngành thủy sản phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng: Tổng sản lượng thủy sản 8,6 triệu tấn (vượt 22,8% so với chỉ tiêu so với chỉ tiêu được giao), trong đó sản lượng nuôi trồng 4,7 triệu tấn (vượt 4,4%), sản lượng khai thác 3,9 triệu tấn (vượt 56,0%); kim ngạch xuất khẩu phấn đấu 10 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện nay Việt Nam có hệ thống các nhà máy chế biến hiện đại, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường lớn. Có trên 1.300 cơ sở chế biến thủy sản, trong đó có 900 cơ sở đạt chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào EU, hơn 700 cơ sở chế biến đảm bảo và được quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm đã đáp ứng được các yêu cầu về hội nhập thế giới và tiếp cận với các chuẩn mực và định chế của quốc tế, tạo đà cho phát tiển sản xuất thủy sản.
Với những kết quả nổi bật trong tái cơ cấu ngành thủy sản, trong giai đoạn 2015-2020, Việt Nam luôn là 1 trong 5 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, năm 2018 đứng thứ 3 (8,8 tỷ USD); sau Trung Quốc (20 tỷ USD) và Na Uy (11,5 tỷ USD).
Cũng theo ông Luân, hầu hết các sản phẩm thủy sản xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu và người tiêu dùng thông qua các tiêu chuẩn quốc tế như: Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) áp dụng cho nhà máy chế biến hải sản; tiêu chuẩn an toàn chất lượng thực phẩm SQF 2000; tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc thiết lập (BRC); tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS); thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Globle GAP); thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP); Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC); Hội đồng quản lý biển (MSC) cho sản phẩm khai thác…và VietGAP.
Sản phẩm thủy sản xuất khẩu ngày càng có tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính (hiện nay có mặt trên 161 nước, vùng và lãnh thổ). Đặc biệt, sản phẩm thủy sản đã thâm nhập thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… là những thị trường khó tính về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường và văn hóa, xã hội theo các quy chuẩn quốc tế.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm, cá tra, cá ngừ (chiếm trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản), cùng với các sản phẩm cá biển, mực bạch tuộc, cua, ghẹ, nghêu… đã tạo nên tăng trưởng xuất khẩu trung bình hàng năm 8 - 10% trong 5 năm qua.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam
Ông Trần Đình Luân nhận định, giai đoạn 2020 - 2025 có nhiều thuận lợi, cơ hội trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là 16 hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam đã ký kết, sẽ tạo điều kiện để đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan có thẩm quyền đồng thời là cơ hội để ngành thủy sản tiếp tục điều chỉnh về chính sách, quy định phát triển nguồn lợi, môi trường bền vững nhằm hội nhập quốc tế sâu hơn.
“Tuy nhiên việc phát triển ngành cũng còn nhiều khó khăn thách thức đó là: Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản; tranh chấp trên biển giữa các quốc gia trong khu vực ảnh hưởng tới khai thác hải trên biển; các khó khăn về thẻ vảng (IUU); nguồn lợi thủy sản suy giảm và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 gây ra làm thay đổi thói quen người tiêu dùng, đình trệ về thị trường… sẽ là những yếu tố ảnh hưởng kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất thủy sản của ngành thủy sản. Do đó, cần phải tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam”.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành thủy sản duy trì tốc độ tăng tổng sản lượng thủy sản từ 3- 5%/năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành thủy sản duy trì tốc độ tăng tổng sản lượng thủy sản từ 3- 5%/năm. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Cụ thể, phải xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển ngành tổ chức thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045...; tổ chức chuỗi sản xuất nguyên liệu, chế biến thuỷ sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phối hợp cùng với các địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực sản xuất nguyên liệu tập trung, khu chế biến xuất khẩu tập trung để thuận tiện thực hiện chuỗi sản xuất đi cùng với kiểm tra, kiểm soát, xử lý môi trường...; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm thủy sản bằng việc tăng cường phối hợp có trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh, quản lý các đầu vào cho nuôi trồng thủy sản nhằm tăng cường năng lực kiểm soát, giám sát, phòng ngừa và xử lý các vi phạm sử dụng chất cấm, tiêm chích tạp chất nguyên liệu thủy sản.
Đồng thời, cần đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và thế giới nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng hội nhập của ngành, cũng như tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, mở rộng các thị trường có tiềm năng đối với sản phẩm thủy sản.
Phổ biến và áp dụng công nghệ sản xuất sạch phù hợp với quy mô sản xuất hộ, quy mô sản xuất công nghiệp về giống, nuôi thương phẩm, lưu thông thành phẩm đến chế biến xuất khẩu; cắt giảm điều kiện sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; tham mưu các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thủy sản...
Mục tiêu của ngành thủy sản trong giai đoạn 2020 - 2025
Duy trì tốc độ tăng tổng sản lượng thủy sản từ 3- 5%/năm. Giảm dần sản lượng khai thác hải sản đề phù hợp với trữ lượng nguồn lợi. Đẩy mạnh phát triển nuôi biển, nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm thủy sản.
Duy trì đủ nguyên liệu đảm bảo chất lượng, có khả năng truy suất nguồn gốc cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ chế biến xuất khẩu, phấn đấu duy trì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 5 - 8%/năm.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 4-6%/năm, cao hơn tốc độ tăng sản lượng.

Nguồn:Nongnghiep.vn

Link gốc