Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu thời gian qua đã khiến doanh nghiệp, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện Bộ Công Thương, bên cạnh những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch thì việc tăng cường tiêu thụ nội địa để giải quyết tình trạng này là cần thiết.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước đã có hơn 12 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Thị trường trong nước đã tổ chức được một mạng lưới tiêu thụ hàng hoá, kể cả trong bối cảnh khó khăn nhất như bão lụt, bị dội hàng từ biên giới, hay dịch bệnh.
“Chúng tôi cũng đưa nông sản vào chương trình bình ổn thị trường được triển khai tại phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là kênh tiêu thụ đặc biệt với những mức tiêu thụ và hợp đồng tiêu thụ hàng năm được chốt cho các doanh nghiệp rất lớn", đại diện Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành hai chỉ thị là Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ tại thị trường trong nước các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng nông sản lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; Chỉ thị 14 ngày 29/12/2021 về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin: “Sở Công Thương Hà Giang đã báo tin, cam Hà Giang tăng giá 3 lần do áp dụng bán hàng qua mạng, livestream. Nhờ vậy không cần mang hàng xuống Hà Nội bán như mọi năm, mà doanh nghiệp đến tận nơi để mua. Hoặc Hưng Yên – một trong những vựa nông sản sát với Hà Nội, đã tiêu thụ hết nông sản của tỉnh với giá ổn, nhất là nhãn lồng và cam, rất được giá. Như vậy bất cứ địa phương nào quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường thì sẽ rất thành công trong tiêu thụ hàng hoá, bắt kịp tín hiệu thị trường”.
Để giải bài toán đến hẹn lại "giải cứu" nông sản, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, còn lại các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì đều qua tiểu ngạch. Đáng chú ý, kể cả thịt heo cũng chưa được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, nên nếu sản xuất ra thừa thì quay lại phải nhìn vào sự hỗ trợ ngay tại thị trường trong nước. Do vậy, có thể thấy sự nhìn nhận, đầu tư của người nông dân vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chỉ khi nào các doanh nghiệp lớn tham gia và đưa thành các chuỗi, tìm cách phối hợp với nông dân và đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới không còn chuyện "giải cứu”.
Từ nhiều năm nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương thay đổi phương thức từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây không chỉ là vấn đề xuất khẩu qua cửa khẩu mà còn là vấn đề thay đổi tư duy của các thành phần liên quan, từ các cơ quan Trung ương đến các hiệp hội, các hộ sản xuất,… Nếu không thay đổi đồng bộ thì rất khó chuyển sang chính ngạch.
Nguồn:Thu Trang/Báo Tin tức